Trên những vườn đào nở sớm

Năm nay, đông Hà Nội đến muộn, đến tận cuối tháng 12, gió mùa đông bắc mới về. Mưa, rét là thế, nhưng một số chủ vườn đào ở Nhật Tân lại vui vẻ nói “May mà trời thương”!

Sau trận mưa gió mùa, đường tới làng hoa Nhật Tân trở nên lầy lội và khó đi hơn hẳn. Trên đường vào làng hoa, mới cuối tháng 11 âm lịch đã thấy rất nhiều xe chở đào mang đi bán. Do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều gốc đào năm nay nở sớm. Nhiều người không khỏi lo lắng, sẽ khan hiếm đào để phục vụ nhu cầu của người dân sắm Tết.

Ông Chu Văn Hoạt, người trồng đào lâu năm tại Nhật Tân bộc bạch nỗi đau đáu của cả làng hoa: “Thời tiết nắng nôi như độ vừa rồi, thì Tết Dương lịch cũng đầy đào bán sớm rồi, đến Tết chả còn đào đẹp mà bán, lúc đấy lại chịu bán lỗ vốn”. Trước đợt rét đậm, khi suốt một tháng trời nắng ấm, người dân chỉ biết dựng giàn che, phun nước lạnh thường xuyên lên cả cây, pha phân urê với nồng độ 1% phun lên thân lá đào hoặc tưới bằng nước lạnh, nhằm ức chế sự phát triển của cây, để giữ cho nụ hoa đến Tết Âm lịch mới nhú, bảo đảm đến Tết vẫn có đào để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng cách này, theo ông Chu Văn Hoạt, “chỉ có tác dụng một phần, khi điều kiện thời tiết không phù hợp, hoa nở cũng sẽ không được đẹp. May mà có đợt rét này, xem như trời cùng thương, chỉ mong sao nó rét lâu lâu, cứ lạnh thế này thì đến Tết là đào vừa đẹp”.

Song song với việc trồng đào, người trồng hoa ở làng Nhật Tân cũng tìm tòi và trồng thêm nhiều loại hoa khác nữa, để có thêm thu nhập. Mùa nào hoa nấy, tháng một, tháng hai hoa đào, tháng 7 hoa hướng dương, tháng 11 là cúc hoạ mi … Bởi vẻ đẹp theo mùa đó mà làng hoa Nhật Tân bây giờ không chỉ là nơi bán hoa đơn thuần nữa, mà đã trở thành một “studio thiên nhiên” dành cho các bạn trẻ ưa thích chụp ảnh và những cặp đôi muốn chụp hình kỷ niệm, hình cưới. Người làm vườn cũng có thêm khoản thu nhập bằng cách bán vé vào cổng cho khách. Với mức phí khoảng từ 50 đến 80 nghìn đồng/người, bạn có thể thoải mái khoe dáng, tạo nên những bộ ảnh đẹp bên những khóm hoa xinh xắn.