Tín hiệu mới từ dòng chảy âm nhạc

Nhìn những chuyển động của đời sống âm nhạc, nhiều dự báo cho rằng, 2019 sẽ là năm âm nhạc tìm lại sự cân bằng, sau nhiều bất ổn của năm 2018.

Nhiều hoạt động âm nhạc mang tính bác học vẫn thu hút được sự chú ý của dư luận.
Nhiều hoạt động âm nhạc mang tính bác học vẫn thu hút được sự chú ý của dư luận.

Chuyển động nhiều chiều

Thị trường nhạc đại chúng Việt năm 2018 chứng kiến thế lực mới mang tên Indie/Underground lấn át những tên tuổi đình đám trước đó. Những giọng ca không chuyên bất ngờ tạo ảnh hưởng với các bản hit như Buồn của anh của K-ICM Ðạt G, Cùng anh của Ngọc Dolil, Cô gái M52 của HuyR - Tùng Viu, Người âm phủ của Osad... Cùng sự trỗi dậy của nhạc Indie/Underground thì có vẻ như dòng nhạc Bolero đã dần chững lại.

Ðặt tít bài theo kiểu "đánh lận" câu chữ, vừa vô nghĩa, nhưng lại gợi sự dung tục kiểu như Thẩm du, Như lời đồn, Nắng cực là vấn đề nổi cộm nhất của âm nhạc năm qua. Ðồng thời đây cũng là điều đáng buồn nhất cho âm nhạc nói chung, nhạc đại chúng nói riêng khi một bộ phận giới trẻ hoạt động âm nhạc không đặt chất lượng nghệ thuật trong một tác phẩm âm nhạc lên hàng đầu, không đề cao giá trị thẩm mỹ của các sáng tạo.

Xâm phạm bản quyền vẫn là một trong những vấn đề của năm 2018. Trong đó đáng chú ý là việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tố hành vi vi phạm bản quyền tác giả của đơn vị kinh doanh nhạc Sky Music. Cụ thể, trong tổng số 2.073 bản ghi âm Sky Music khai thác thì có tới 1.873 bản là của các tác giả là thành viên của Trung tâm. Nghĩa là Trung tâm khẳng định Sky Music chưa có sự thỏa thuận khai thác kinh doanh những tác phẩm này trên hệ sinh thái internet.

Trong khi đó, gameshow âm nhạc trên truyền hình ngày càng nhạt nhòa, bão hòa bởi rất nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, việc tổ chức liên tục các mùa thi đồng thời cùng lúc có quá nhiều cuộc thi khiến chất lượng thí sinh ngày càng giảm. Không có thí sinh thật sự nổi bật cũng là một trong những lý do khiến các gameshow âm nhạc trên truyền hình mất dần sự hấp dẫn.

"Ép" trẻ em hát nhạc người lớn vẫn là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Ngay trong gameshow Giọng hát Việt nhí những ngày cuối năm 2018, hiện tượng này vẫn phổ biến. Cũng từ Giọng hát Việt nhí 2018 đã xuất hiện thêm một nhánh mới của câu chuyện này là việc huấn luyện viên Khắc Hưng, đồng thời cũng là một nhạc sĩ đã viết hẳn lời mới dựa trên một ca khúc hit của mình cho học trò. Tất nhiên, lời mới có nội dung chủ đề phù hợp với thiếu nhi.

Dẫu thế, năm 2018 vẫn có những tín hiệu vui. Festival quốc tế âm nhạc mới Á - Âu Việt Nam năm 2018 được tổ chức vào tháng 10 tại Hà Nội và Ninh Bình quy tụ hơn 200 nghệ sĩ của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trình diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng, âm nhạc mang âm hưởng truyền thống dân tộc. Ðây là cơ hội tốt cho sự giao lưu hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế về âm nhạc của Việt Nam.

Hàng chục các liveshow lớn nhỏ của các nghệ sĩ hàng đầu của các dòng nhạc khác nhau đã được tổ chức. Trong đó đáng chú ý là liveshow của nhiều nghệ sĩ nhạc trữ tình - cách mạng như liveshow của tam ca Ðăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn, Lan Anh - Phạm Phương Thảo - Vũ Thắng Lợi... Một hoạt động âm thầm nhưng rất đáng ghi nhận đó là nghệ sĩ thế giới Ngô Hồng Quang có bước đột phá đi tới hơn 40 nước giới thiệu âm nhạc Việt Nam với khán giả thế giới. Anh cũng bật mí mình sẽ xuất hiện trong một gameshow cho một kênh truyền hình quen thuộc của Mỹ, và đó là cơ hội tốt để anh giới thiệu mình và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hiện gameshow đã quay xong và chỉ chờ thời điểm phát sóng trong ba tháng đầu năm 2019.

Hướng nào cho 2019?

Có lẽ, năm 2019 sẽ là một năm âm nhạc Việt Nam tìm kiếm sự cân bằng. Rõ ràng, bên cạnh những hoạt động mang tính bề nổi của nhạc đại chúng thì có nhiều hoạt động âm nhạc mang tính bác học vẫn âm thầm được tổ chức, được dư luận chú ý. Bên cạnh đó, âm nhạc Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên hơn những liveshow của các nghệ sĩ mà tên tuổi và sự nghiệp của họ gắn liền với đời sống âm nhạc trong nhiều năm qua.

Vấn đề bản quyền sẽ dần được khắc phục và đi vào ổn định sau những "rung lắc", những lùm xùm, rắc rối khi bước vào khai thác nguồn tài nguyên mạng. Trong khi đó, dẫu chưa có hướng đi nào thật sự khả quan để chấm dứt hiện tượng trẻ em hát nhạc người lớn, song từ một chút le lói của năm 2018 với việc đặt lời phù hợp với lứa tuổi, có thể năm 2019 sẽ có những tín hiệu tốt hơn.

Nhìn trên chiều hướng phát triển, sự bão hòa của các gameshow âm nhạc trên truyền hình, của dòng nhạc Bolero chính là dịp để cân bằng lại số lượng các gameshow cũng như các dòng nhạc với nhau.

Tất nhiên, để tìm được sự cân bằng cũng như phát triển theo hướng chất lượng, nghệ thuật của dòng chảy âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc đại chúng sẽ không thể thiếu vai trò của nhà quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tạo môi trường và cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ những sáng tạo có chất lượng sẽ là cách hiệu quả và thích hợp để làm lành mạnh đời sống tinh thần của xã hội trong một thế giới ngày càng mở và tốc độ.