Nhạc cổ điển:

Món ăn ngon dành cho cảm xúc

Tôi có mặt tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội vào một buổi tối cuối tuần, đầu đông. Nhà hát thật lung linh rực rỡ đầy sắc mầu, tọa lạc trên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Như một thói quen, hằng năm cứ vào dịp cuối thu đông về, lòng người Thủ đô lại có một gợn gì đó man mác chút buồn, một chút gì đó cổ điển. Ðêm nay là đêm diễn duy nhất của "Ðêm nhạc cổ điển Toyota" - một trong những chương trình hòa nhạc lâu đời, được Toyota Việt Nam tổ chức thường niên tại Việt Nam, và rất được ưa chuộng trong cộng đồng khán thính giả yêu nhạc cổ điển trong nước.

Món ăn ngon dành cho cảm xúc

Ðến nay, công chúng của dòng âm nhạc bác học thính phòng này ở Thủ đô tăng khá nhanh, trong đó có rất nhiều người sành thưởng thức thể loại âm nhạc này. Trang phục lịch sự, họ bước vào nhà hát với niềm vui vừa háo hức vừa chờ đợi. Cũng đã lâu rồi, mới có một buổi biểu diễn âm nhạc bác học thính phòng có đông người đến xem như vậy tại Thủ đô. Cả ba tầng nhà hát chật kín người xem, trong đó thấy nhiều khán thính giả nước ngoài tham dự. Cũng phải, khi đêm diễn hôm nay được biết đến với sự tham dự của một dàn nhạc rất lâu đời và nổi tiếng đến từ Anh quốc, đồng hành cùng một nghệ sĩ pi-a-nô trẻ tuổi và tài năng của Việt Nam. Không khí trang trọng bao trùm cả nhà hát. Và khi ánh đèn sân khấu hoành tráng bừng lên trước mặt, tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt vang lên.

Ðêm nay là nơi hội tụ nhiều tài năng nghệ thuật: Dàn nhạc Royal Phiharmonic Concert Orchestra (RPCO) là một trong những dàn nhạc nổi tiếng và lâu đời đến từ Vương quốc Anh. Trong 30 năm qua, Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia đã tạo dựng nên danh tiếng quốc tế trong việc biểu diễn nhạc cổ điển, nhạc nhẹ cổ điển và nhạc nhẹ phổ thông trong công chúng ở nhiều nước trên thế giới. RPCO xây dựng được uy tín khi kết hợp với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Chỉ huy đêm nhạc là Nhạc trưởng Anthony Weeden từng chỉ huy dàn nhạc liên tục hai năm tại Ðại học Âm nhạc Hoàng gia Anh, người từng giành được nhiều giải thưởng danh giá. Tham gia dàn nhạc còn có David Juritz, một trong những nghệ sĩ vi-ô-lông tài ba và đa năng bậc nhất hiện đang làm việc tại Anh, người luôn tâm huyết khuyến khích các nhạc sĩ trẻ ở nhiều nước.

Món ăn ngon dành cho cảm xúc ảnh 1

Ðặc biệt, một tài năng pi-a-nô trẻ của Việt Nam - Lưu Hồng Quang cũng tham gia biểu diễn trong đêm nhạc này. Ðây là một nghệ sĩ rất thú vị mà tôi đặc biệt yêu thích. Lưu Hồng Quang sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha anh là NSƯT Lưu Quang Minh - một trong những nhà giáo uy tín trong lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy âm nhạc. Anh đến với cây đàn pi-a-nô từ năm 5 tuổi và đã đạt nhiều thành công. Tài năng pi-a-nô Lưu Hồng Quang đã gặt hái nhiều giải thưởng tại các cuộc thi pi-a-nô trên thế giới, trong đó có cuộc thi Chopin châu Á diễn ra tại Nhật Bản. Anh đã tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc nổi tiếng của I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a,… Năm 2015-2016, Lưu Hồng Quang theo học bậc cao học biểu diễn pi-a-nô với NSND Ðặng Thái Sơn tại Nhạc viện Montreal, Ca-na-đa. Trước đó, Lưu Hồng Quang là đại diện thế hệ trẻ đầu tiên được vinh dự biểu diễn cùng NSND Ðặng Thái Sơn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện tại anh đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật Ô-xtrây-li-a. Anh tâm niệm: "Với âm nhạc cần sự chân thành tuyệt đối, chỉ khi chân thành người nghệ sĩ mới chạm đến vẻ đẹp tuyệt vời trong âm nhạc".

Với chủ đề "Truly Classics" (Những giai điệu cổ điển truyền thống), nhạc mục năm nay là sự tổng hòa của mầu sắc kịch tính và sự lãng mạn đậm chất cổ điển với nhiều tuyệt phẩm từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Lướt qua sách giới thiệu Chương trình, tôi thấy nhiều cái tên quen thuộc: Bản nhạc nước của Handel - một bản nhạc rất quyến rũ, với những giai điệu gợi nhớ đến hình ảnh về một đêm nhạc đỉnh cao với những âm thanh điêu luyện nhịp nhàng hòa với tiếng sóng vỗ rì rào, khi biểu diễn trên một chiếc thuyền lớn xuôi theo dòng sông. Hoặc như tác phẩm Xin chào tình yêu của Elgar như lời hẹn hò ngọt ngào đầy xúc cảm mà tác giả dành cho vị hôn thê của đời mình. Nhiều tác phẩm hấp dẫn được trích từ các vở nhạc kịch như: Dải lụa trong vở ô-pê-ra cùng tên của Rossini; Giấc mơ đêm hè của Mendelssohn; Khúc mở màn Armida trong vở ô-pê-ra của Haydn… Những giai điệu cổ điển được các nghệ sĩ và dàn nhạc biểu diễn hết sức điêu luyện. Những âm thanh truyền cảm ngọt ngào, mượt mà, nhuần nhuyễn và cũng rất đa dạng lan tỏa khắp nơi như đọng lại trên cả vòm nhà hát cổ kính đã có ngót hơn trăm năm tuổi này. Tất cả mọi người chăm chú lắng nghe với nhiều cảm xúc. Tài năng trẻ pi-a-nô Lưu Hồng Quang trình diễn bản Concerto số 9 dành cho pi-a-nô cung Mi giáng, tại tác phẩm số k721 của thiên tài âm nhạc Mô-da. Mô-da sáng tác bản concerto này khi ông 21 tuổi, góp phần khẳng định sự trưởng thành của ông với âm nhạc thế giới. Lưu Hồng Quang trình diễn rất điêu luyện, tiếng đàn như có hồn với đôi tay như múa trên phím đàn. Tiếng đàn vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên liên hồi không dứt. Anh đã dành tặng khán giả Hà Nội một bản nhạc nữa. Xem Lưu Hồng Quang biểu diễn người ta lại liên tưởng đến nghệ sĩ Ðặng Thái Sơn khi biểu diễn buổi đầu tiên tại Nhà hát thành phố Hà Nội sau khi đoạt Giải nhất tại cuộc thi pi-a-nô quốc tế Chopin. Tiếng vỗ tay thể hiện sự thán phục trước tài năng của nghệ sĩ, đồng thời cũng chứa đựng niềm tự hào của mọi người về một trong những tài năng của thế hệ trẻ Việt Nam. Một thanh niên trẻ ngồi cạnh tôi trước lúc mở màn đêm diễn đã nói rất nhiều về các dòng xe của Toyota - đơn vị tổ chức đêm nhạc này, tỏ rõ sự đam mê và sôi nổi, sau đó xem ra lại rất chăm chú lắng nghe từng tiết mục, vỗ tay nhiệt liệt sau mỗi màn diễn và thỉnh thoảng lại bình luận rất hào hứng. Cái cách mà thế hệ trẻ thưởng thức nhạc cổ điển rất khác so với chúng tôi, nhưng cũng thật đáng mừng khi dòng nhạc cổ điển hàn lâm, tưởng như còn kén người nghe này, có thể kết nối và đi vào lòng người một cách độc đáo đến thế.

Ðêm nhạc cổ điển Toyota được Công ty ô-tô Toyota châu Á - Thái Bình Dương, Công ty ô-tô Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp Trung tâm Tổ chức biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên. Ðây là đêm diễn đánh dấu năm thứ 20 "Ðêm nhạc cổ điển Toyota" tổ chức tại Việt Nam, đồng thời cũng đánh dấu chặng đường 28 năm Âm nhạc lay chuyển cuộc sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chương trình Ðêm nhạc cổ điển Toyota ra đời từ năm 1990 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với lịch trình lưu diễn ở nhiều quốc gia châu Á, đóng góp lớn vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa và tình hữu nghị giữa các quốc gia và đã trở thành cái tên quen thuộc với giới yêu âm nhạc ở Việt Nam. Với ý tưởng "Âm nhạc lay chuyển cuộc sống", các đêm diễn đã có tác động mạnh đến việc xây dựng dòng nhạc bác học thính phòng đang được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, tạo sức lan tỏa cho dòng nhạc này trong cuộc sống hiện đại. Ðại diện của Toyota chia sẻ: "Chúng tôi luôn mong muốn Ðêm nhạc cổ điển Toyota góp phần chia sẻ vẻ đẹp cũng như di sản của âm nhạc cổ điển và làm phong phú thêm đời sống của cộng đồng".

Tại buổi họp báo giới thiệu diễn ra cách đây không lâu, bà Ðỗ Thu Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam cho biết: "Ðược thực hiện thường niên từ năm 1997 tại Việt Nam, Ðêm nhạc cổ điển Toyota mang âm nhạc cổ điển đẳng cấp thế giới đến gần hơn với công chúng yêu nhạc, qua đó góp phần làm phong phú sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Ðến nay, chúng tôi rất vui mừng khi chương trình được khán thính giả cùng giới chuyên môn đánh giá cao và trở thành một trong những sự kiện âm nhạc đặc biệt được mong đợi nhất hằng năm với 19 đêm diễn đã được tổ chức, cùng gần 10.000 khán thính giả, đặc biệt là sự góp mặt của nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng trên thế giới đến từ Anh, Hung-ga-ri, Ba Lan… Chương trình cũng tạo cơ hội cho nhiều ca sĩ tài năng tại Việt Nam biểu diễn cùng các dàn nhạc quốc tế, như ca sĩ: Tùng Dương, nghệ sĩ vi-ô-lông Hoàng Tuấn Cương, Nguyễn Hữu Nguyên…

Ðêm nhạc cổ điển Toyota 2017 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả không chỉ vì giá trị nghệ thuật đỉnh cao của chương trình mà còn mang đậm tính văn hóa, tính nhân văn khi toàn bộ tiền bán vé góp phần vào phát triển cộng đồng. Bà Ðỗ Thu Hoàng cũng cho biết: Kể từ khi ra mắt vào năm 1990, Ðêm nhạc cổ điển Toyota đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của khán thính giả tại toàn khu vực châu Á. Bên cạnh mục đích hỗ trợ nâng tầm âm nhạc cổ điển trong khu vực, chương trình là một phần trong cam kết của Toyota hướng tới mục tiêu đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng sở tại. Ðến nay, Ðêm nhạc cổ điển Toyota đã thực hiện gần 200 buổi hòa nhạc, thu hút hàng trăm nghìn khán thính giả, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới và quảng bá nhạc cổ điển đến với người yêu nhạc châu Á. Số tiền bán vé xấp xỉ 9,03 triệu USD đã được sử dụng cho các hoạt động từ thiện, góp phần cho sự phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông tại các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ðặc biệt, tại Việt Nam, chương trình được thực hiện từ năm 1997. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình được Toyota Việt Nam sử dụng cho các hoạt động từ thiện và thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật của nước nhà, và đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, được dành trọn cho quỹ "Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam" với 730 suất học bổng đã được trao tặng.

Kể từ khi thành lập, với mục tiêu trở thành "công dân tốt trong cộng đồng sở tại", Toyota Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động, đóng góp xã hội, tập trung vào các lĩnh vực: An toàn giao thông, Giáo dục - Ðào tạo & Phát triển nguồn nhân lực, Bảo vệ môi trường và Văn hóa - Xã hội. Trong đó, Văn hóa - Xã hội là một trong những lĩnh vực được chú trọng với mong muốn làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân. Chương trình hòa nhạc Toyota là một trong những hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần phổ biến âm nhạc cổ điển tới đông đảo người yêu nhạc Việt Nam.