Ðiện ảnh Việt và niềm tin hội nhập

Ðiện ảnh Việt Nam năm 2018 khá sôi động với Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2018 và những chuyến xuất ngoại mang chuông đi đấm xứ người gặt hái nhiều thành công của một số đạo diễn trẻ. Khán giả ngày càng quan tâm tới phim Việt, số phim Việt làm "cháy" doanh thu phòng vé ngày một nhiều hơn, nhưng để điện ảnh Việt trở thành một dấu ấn - điểm đỏ trên bản đồ điện ảnh thế giới thì vẫn còn cả một chặng đường dài trước mắt.

Cảnh phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Ðỗ Ðức Thịnh.
Cảnh phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Ðỗ Ðức Thịnh.

Niềm hy vọng trẻ

Nữ đạo diễn Hồng Ánh quả là mát tay khi bộ phim đầu tay của chị Ðảo của dân ngụ cư liên tiếp đoạt giải; mới đây nhất, tháng 11 năm 2018 là Giải thưởng lớn của Ban tổ chức Giải thưởng điện ảnh quốc tế Efebo d’Oro (I-ta-li-a) trao cho các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học; trước đó là giải Câu chuyện phim hay nhất (Best Story) và giải đặc biệt cho nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm tại Liên hoan phim (LHP) châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58 tại Ðài Loan (Trung Quốc)... Năm ngoái, phim cũng giành được Giải phim hay nhất, Hình ảnh xuất sắc nhất (NSND Lý Thái Dũng) và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Phạm Hồng Phước) tại LHP quốc tế ASEAN - AIFFA 2017; Giải đặc biệt của ban giám khảo tại LHP quốc tế Á Âu - EURASIA 2017.

Cũng tháng 11 năm nay, bộ phim Thành phố ngủ gật (tên tiếng Anh là Drowsy city) là dự án phim truyện dài thứ hai của đạo diễn Lương Ðình Dũng được lựa chọn để thuyết trình giới thiệu tại LHP quốc tế Black Nights Tallinn (E-xtô-ni-a). Trước đó, tháng 4, bộ phim đầu của anh Cha cõng con được vinh danh phim châu Á hay nhất tại LHP quốc tế I-ran…

Ngoài ra, tại LHP quốc tế Hà Nội 2018 các nghệ sĩ trẻ Việt Nam cũng thành công với giải đạo diễn xuất sắc nhất phim ngắn cho Nguyễn Lê Hoàng Việt, giải Ban giám khảo phim ngắn cho đạo diễn Tạ Quỳnh Tư…

Nhìn lại khoảng 5 năm gần đây, tuy số phim Việt Nam đoạt giải tại các LHP quốc tế khá đa dạng và phong phú, trải dài các châu lục, nhưng cũng chỉ loanh quanh ở một số cái tên.

Và chúng ta cũng chỉ mới chỉ đạt thành công ở một số LHP quốc tế khá và trung bình, chưa phải là những LHP "hạng A" thế giới.

Trong bối cảnh điện ảnh Việt còn chưa có dấu ấn thật đậm nét trên bản đồ điện ảnh thế giới (dù một số phim của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh, tiêu biểu như Bao giờ cho đến Tháng Mười được đài truyền hình CNN vinh danh…) thì việc đem phim đi dự các LHP quốc tế nhỏ, vừa tầm là lựa chọn đúng của các nhà sản xuất phim Việt.

Ít nhất, nó đem lại thắng lợi về tinh thần và cả tiền bạc ở một số LHP; bên cạnh đó cũng giúp phim đó có thể được mua và phát hành ở một vài thị trường. Và có thể coi đây là một sự tập dượt để các đạo diễn Việt thêm nhiều trải nghiệm khi bước ra biển lớn.

Khoan hãy nói đến LHP Cannes, Venice, Berlin…, còn quá cao xa, hãy chọn các LHP quốc tế nổi tiếng ở châu lục như Busan, Tokyo, Singapore , Bangkok…, những mục tiêu mà các đạo diễn Việt có thể vươn tới trong một tương lai gần.

Ðiện ảnh Việt và niềm tin hội nhập ảnh 1

Phim "Chàng vợ của em" của đạo diễn Charlie Nguyễn thắng lớn doanh thu phòng vé.

Ði đến tận cùng cái của ta…

Cách làm điện ảnh các đồng nghiệp Iran có nên là hình mẫu cho điện ảnh Việt Nam học tập? - câu hỏi đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước lại được gợi lên trong cuộc hội thảo về kinh nghiệm làm phim thành công của Iran tại LHP quốc tế Hà Nội 2018.

Những bộ phim của I-ran phần lớn được làm với kinh phí ít ỏi, bối cảnh không quá lớn, những câu chuyện giản dị gắn bó với đời sống và rất giỏi khai thác nét văn hóa bản địa đặc sắc, đã trở thành sứ giả văn hóa kỳ diệu cho xứ sở Ba Tư, đem về hàng nghìn giải thưởng quốc tế lớn, nhỏ mà chỉ tính riêng hai năm 2015-2016 cộng lại đã trên 800 giải!

Sự kiện mang tính bước ngoặt cho điện ảnh I-ran chính là việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh do Chính phủ tài trợ vào năm 1984. Trong hai năm đầu, Quỹ điện ảnh gửi tới 300 bức thư đến các LHP quốc tế mà chỉ nhận được… hai phản hồi, nhiều người nghĩ điện ảnh I-ran không tồn tại. Và sau 5 năm trời kiên trì gửi phim tới các LHP quốc tế, phim I-ran ngày càng được lựa chọn trình chiếu và sau đó liên tục thắng giải.

Bí quyết thành công của điện ảnh I-ran theo đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh là các nhà làm phim luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, đứng về phía những con người dễ bị tổn thương nhất và sống chết, tâm huyết với nghề, coi mỗi khuôn hình là thiêng liêng.

Một điều dễ nhận thấy là phim I-ran thường mở đầu câu chuyện như chả có gì, cũng không giàu kịch tính nhưng càng về sau những chi tiết đắt giá càng được đẩy lên và câu chuyện vượt hẳn lên, mang tầm vóc khác, kiểu qua giọt nước thấy đại dương.

Ðiện ảnh Việt và niềm tin hội nhập ảnh 2

Cảnh phim "Mùa viết tình ca" của đạo diễn Thắng Vũ.

Tuy điện ảnh I-ran rất thành công nhưng điện ảnh Việt Nam không thể và cũng không nên bắt chước con đường đi của họ. Ðặc trưng hay thế mạnh của điện ảnh Việt là gì? Có phải chính là chất thơ trong những khuôn hình mà các thế hệ đạo diễn năm xưa như Hồng Sến, Trần Vũ, Hải Ninh, Ðặng Nhật Minh… sau này có Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh và các thế hệ trẻ đã đạt tới trong các bộ phim Việt chăng?

Câu hỏi đó cần những nhà nghiên cứu điện ảnh trả lời, nhưng rõ ràng câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu xưa kia vẫn luôn đúng trong nhiều trường hợp: Hãy đi đến tận cùng cái của ta thì sẽ gặp được nhân loại.

Nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Ðiệp có lần tâm sự: Tôi chẳng biết mình thuộc thế hệ đạo diễn thứ mấy nhưng có lẽ chúng tôi cần phải làm nhiều phim và làm phim hay hơn nữa thì khi đó câu trả lời sẽ đến!