Giữ bền một kết nối

Không đơn thuần là một trò chơi, một môn thể thao, kéo co là di sản gắn với tín ngưỡng, tâm linh, có ý nghĩa lớn lao trong gắn kết cộng đồng qua nhiều thế hệ. Kéo co gắn kết cộng đồng, cộng đồng lại bảo vệ kéo co. Ðó là lý do các nhà nghiên cứu đề xuất thành lập Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam.

Kéo co ngồi đã được giới thiệu tới học sinh nhiều trường học trên địa bàn. Ảnh: NGỮ THIÊN
Kéo co ngồi đã được giới thiệu tới học sinh nhiều trường học trên địa bàn. Ảnh: NGỮ THIÊN

Hiểu đúng về nghi lễ kéo co

Nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015, với tư cách là đề cử đa quốc gia của Campuchia, Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam. Các di sản kéo co của Việt Nam được ghi danh gồm: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội), kéo mỏ ở Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), kéo song ở Hương Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), kéo co ở Hữu Chấp (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh), kéo co của đồng bào các dân tộc Tày, Giáy ở Lào Cai. Tuy nhiên, thực tế đã 5 năm trôi qua, dù là di sản ở tầm nhân loại, nhận thức của cộng đồng về nghi lễ và trò chơi kéo co ở nhiều địa phương vẫn chưa đầy đủ. Nhiều người vẫn coi đó là một trò chơi, hoặc một môn thể thao "làm vui" cho lễ hội.

Trên thực tế, di sản kéo co mang những sắc thái hết sức đa dạng. Ở đền Trấn Vũ là hình thức kéo co ngồi giữa các mạn (xóm) khác nhau, diễn lại câu chuyện tranh giành nước của các mạn thuở xưa. Ở Hương Canh, trò kéo song tái hiện huyền thoại luyện quân thủy chiến của các tướng lĩnh thời kỳ chống quân Nam Hán dưới sự lãnh đạo của Vua Ngô Quyền. Còn tại thôn Xuân Lai, lễ hội kéo mỏ (hai cây tre móc vào nhau) để tưởng nhớ Vua Bà… Mặc dù hình thức khác nhau, dụng cụ để thực hiện cũng khác nhau, có thể là cây song, cây tre… nhưng điều quan trọng, theo TS Lê Thị Minh Lý, kéo co không chỉ là một trò chơi, không phải là bộ môn thể thao. Ðây là di sản có nguồn gốc từ đời sống tâm linh. Những nghi lễ ấy đều gửi gắm mong muốn của cộng đồng với các vị thần linh phù hộ độ trì, gửi gắm ước vọng mưa thuận, gió hòa.

Nếu chỉ là một trò chơi đơn thuần, rất khó để kéo co duy trì được sự gắn kết cộng đồng mạnh mẽ qua nhiều thế kỷ như thế. Thôn Xuân Lai và Hữu Chấp đều kéo co bằng cây tre. Tính "thiêng" trong hoạt động kéo co thể hiện ngay từ khi chọn cây tre, cử người chặt tre. Những người có gia đình hòa thuận, con cái phát đạt mới được cộng đồng "ủy quyền" cho việc chặt tre. Việc chặt tre cũng phải dâng hương kính báo với các thần linh. Ở đền Trấn Vũ, khi thực hành nghi lễ kéo co, chỉ khi trai của mạn Ðường thắng thì cả làng mới vui vì cho rằng năm đó được mùa. Chính những ước vọng ẩn giấu sau hình thức trò chơi này là sợi dây gắn kết, giúp cộng đồng đoàn kết, gắn bó và cộng đồng chính là người gìn giữ nghi lễ qua nhiều thế hệ.

Ðể di sản tồn tại bền vững

Trong thời gian qua, một số địa phương đã tích cực có các hoạt động bảo vệ, quảng bá di sản kéo co. Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ Ngô Quang Khải chia sẻ: "Ban quản lý di tích đã giới thiệu nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi cho học sinh tại sáu trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phường. Hằng năm, các trường trên địa bàn phường, quận và các quận, huyện lân cận tổ chức cho các học sinh tham quan di tích và xem trò chơi kéo co ngồi. Hiện nay, Ban Quản lý di tích đã tư liệu hóa di sản kéo co ngồi để thuận lợi cho việc giới thiệu". Tại Bắc Ninh, Trưởng khu phố Hữu Chấp, Nguyễn Văn Trình cho biết, ngành văn hóa Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tiến hành nghiên cứu, kiểm kê nghi lễ Lễ hội kéo co làng Hữu Chấp; sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu liên quan tới lễ hội; tạo điều kiện để nhân dân tham gia công tác tổ chức lễ hội một cách tốt nhất. Ngành văn hóa cũng quảng bá giá trị di sản qua nhiều kênh truyền thông. Tuy nhiên, tại một số địa phương, chính quyền vẫn chưa thật sự quan tâm đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Như tại Hà Nội, một số cuộc giao lưu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mời đại diện thôn Xuân Lai (Sóc Sơn) nhưng địa phương đều không tham gia.

Vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản kéo co. Nhiều nhà khoa học đề xuất cần tiến tới hình thành Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam. Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Hà Nội mong muốn kết nối với các cộng đồng nắm giữ di sản kéo co khác. Dù di sản kéo co được UNESCO vinh danh sớm hơn tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng chưa có sự kết nối và giao lưu di sản. Ngoại trừ phường Thạch Bàn có những buổi giao lưu trong nước, quốc tế về di sản kéo co, còn hầu hết các cộng đồng khác đều chưa thực hiện được". Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã lấy ý kiến của đại diện năm cộng đồng kéo co gồm: Cộng đồng kéo co đền Trấn Vũ, kéo mỏ thôn Xuân Lai (Hà Nội), cộng đồng kéo co ở Hữu Chấp (Bắc Ninh), cộng đồng kéo song thị trấn Hương Canh và kéo co thôn Hòa Loan (Vĩnh Phúc). 100% số người được hỏi đều nhất trí thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam. Ðại diện nhiều địa phương đều cho rằng, hằng quý hoặc hằng năm, cộng đồng các nơi nên hội tụ lại, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và trình diễn kéo co, luân phiên các nơi. Dự kiến năm 2021, cộng đồng kéo co đền Trấn Vũ sẽ đăng cai chương trình giao lưu đầu tiên của câu lạc bộ. Ðây chính là một bước tiến trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản đặc biệt này.

GIANG NAM