Gameshow “rác” và những phiền lụy

Gameshow liên kết không phải là câu chuyện xa lạ ở thị trường giải trí Việt Nam. Bên cạnh những gameshow mang tính giải trí - giáo dục thì cũng có không ít gameshow “bẩn”, gameshow “rác”, làm cho sóng truyền hình bị nhiễu loạn, rẻ tiền bởi chiêu trò nhằm câu khách.

Chương trình “Sau ánh hào quang” gây ồn ào dư luận sau khi phát sóng câu chuyện của nghệ sĩ Lê Giang.
Chương trình “Sau ánh hào quang” gây ồn ào dư luận sau khi phát sóng câu chuyện của nghệ sĩ Lê Giang.

Khi yếu tố lợi nhuận được đặt lên hàng đầu

Câu chuyện gameshow “rác” không có gì là mới. Thậm chí, gameshow “sạch” có khi lại khiến người ta thấy lạ. Bởi như một suy nghĩ mặc định, bản chất của gameshow là chiêu trò. Chiêu trò mang lại rating, mang lại những hợp đồng quảng cáo béo bở. Nhà đài có tiền, các đối tác giới thiệu được những sản phẩm của mình đến mọi người, đôi bên cùng có lợi.

Thế nhưng, hiện nay, vì cuộc chiến rating, không ít chương trình dàn dựng kịch bản, cắt cúp, biên tập, lạm dụng chiêu trò nhằm câu khách. Yếu tố lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Thực trạng này diễn ra ở nhiều gameshow trên sóng truyền hình quốc gia cho đến đài truyền hình địa phương.

Hết giả gái rồi đến hài nhảm khiến khán giả bắt đầu chán nản, lại đến sự bùng nổ tràn lan của các cuộc thi hát bolero trên sóng truyền hình. Bolero nở rộ với các gameshow lớn, nhỏ như “Thần tượng Bolero”, “Solo cùng Bolero”, “Người hát tình ca”, “Khán giả cùng Bolero”, “Tình Bolero”… làm người xem có cảm giác “bội thực”.

Khi bolero bắt đầu bão hòa, lợi dụng đời tư lên ngôi. Từ “Chuyện tối nay với Thành”, “Người kể chuyện tình”, “Gương hai chiều”, “Lần đầu tôi kể”, “Sau ánh hào quang” cho tới những chương trình tưởng chừng chỉ thuần thi thố tài năng ca hát, nhảy nhót như “Bolero hoan ca”, “Trời sinh một cặp”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”, “Solo cùng Bolero”… cũng đưa yếu tố đời tư vào nhằm câu khách.

Đành rằng tính giải trí là yếu tố cần phải có để nhằm tăng sự hấp dẫn cho chương trình truyền hình thực tế. Tuy nhiên, bất kỳ cái gì nếu lạm dụng quá cũng đều gây ra phản ứng ngược. “Sau ánh hào quang” với câu chuyện nghệ sĩ Lê Giang tiết lộ bị chồng cũ - nghệ sĩ Duy Phương bạo hành, ném từ cầu thang xuống đất gây phẫn nộ dư luận trong mấy ngày gần đây, như một giọt nước tràn ly cho tình trạng gameshow bẩn, khó kiểm soát như hiện nay.

Sau khi chương trình được phát sóng, nghệ sĩ hài Duy Phương biến thành kẻ tội đồ trong mắt dư luận. Ông cho rằng, nhân phẩm, danh dự của bản thân bị chà đạp chỉ vì Đài truyền hình thiếu kiểm chứng khi đưa tin một chiều, không xác nhận lại phía mình. Nghệ sĩ Duy Phương nói: “Chưa bao giờ tôi có ý định chết như ngày hôm nay. Tôi chỉ muốn chết, không muốn sống nữa”. Từ ngày xảy ra sự việc đến nay cũng hơn một tuần nhưng những gì ông nhận được, chỉ là sự im lặng từ phía nhà đài, đơn vị sản xuất chương trình. Trong khi đó, hàng loạt nghệ sĩ đã lên tiếng đòi tẩy chay chương trình. Khán giả tức giận vì có cảm giác bị lừa. Ngày 11-12 vừa qua, đại diện của nghệ sĩ Duy Phương chính thức gửi đơn khởi kiện Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) và đơn vị sản xuất chương trình “Sau ánh hào quang” tại Tòa án nhân dân quận 1. Chẳng biết vụ kiện này sẽ đi tới đâu; chỉ biết, sau ánh hào quang, là nước mắt, là bao phiền lụy của chính những người trong cuộc.

Cần giải pháp mạnh

Rõ ràng, truyền hình thực tế đang là chiếc cần câu cơm béo bở với các đơn vị truyền thông cũng như các nhà đài. Gameshow gối gameshow như gối vụ. Không chỉ dừng lại ở con số hàng chục mà lên cả hàng trăm. Và với số lượng chương trình như vậy, với cuộc cạnh tranh rating khốc liệt như vậy, liệu khán giả trông đợi gì được hơn?

Cuộc chiến rating, chạy đua lợi nhuận nhằm thu hút quảng cáo của các chương trình truyền hình thực tế càng ngày càng trở nên khốc liệt, khó khăn khi gameshow bắt đầu bão hòa. Thực trạng đó buộc các ê-kip thực hiện chương trình phải nghĩ ra những chiêu trò mới nhằm lôi kéo khán giả tiếp tục ngồi trước màn hình ti-vi. Và rồi, cứ thế, chiêu trò nối tiếp chiêu trò, bủa vây trên sóng truyền hình.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của các đơn vị sở hữu bản quyền các chương trình truyền hình thực tế. Với họ, lợi nhuận là yếu tố đặt lên hàng đầu. Nhưng các nhà đài, chẳng lẽ cũng vậy?

Trước đây, xuất phát từ thực tế có những sai phạm như thông tin sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam…, Bộ Thông tin và Truyền thông từng có những đợt rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động cũng như dừng cấp phép một số gameshow truyền hình liên kết sản xuất. Đồng thời, Bộ yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình liên kết trước khi lên sóng. Biện pháp chủ yếu vẫn là nhắc nhở, xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, nhìn bức tranh gameshow có phần hỗn loạn như hiện nay, ta dễ dàng thấy rằng, những biện pháp mà Bộ đưa ra dường như vẫn chưa phát huy được tác dụng trong việc quản lý hoạt động của dạng thức này. Gameshow liên kết vẫn ồ ạt ra đời. Nhà đài lỏng lẻo trong khâu biên tập, kiểm soát nội dung trước khi phát sóng. Thậm chí, phó mặc toàn bộ. Có không ít chương trình sau khi phát sóng bị phát hiện gian dối, dàn dựng, cắt cúp sai sự thật, gây ồn ào dư luận. Thực tế đó đòi hỏi những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Mục đích: gạn lọc bớt những gameshow “rác”, “bẩn” như hiện tại.