Ðể trở thành "thực thể sống" đúng nghĩa

Việc kết nối giữa bảo tàng và các điểm nghệ thuật khác trong cùng một khu vực để tạo nên những sự kiện nghệ thuật quy mô, kích thích trí tò mò và dẫn dắt công chúng đến với hoạt động của bảo tàng hay trung tâm nghệ thuật là cách làm phổ biến ở Nhật Bản. Một gợi ý để các bảo tàng, triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam tìm hướng thoát khỏi tình trạng vắng vẻ, hiu hắt hiện nay.

Không gian trưng bày Sunshower tại MAM. Ảnh: Nhị An
Không gian trưng bày Sunshower tại MAM. Ảnh: Nhị An

Sức hút từ các sự kiện nghệ thuật lớn

Một loạt các sự kiện nghệ thuật đương đại quốc tế đã và đang cùng lúc diễn ra ở nhiều bảo tàng, trung tâm nghệ thuật lớn ở Tokyo, Yokohama, Kyoto (Nhật Bản).

4 giờ 30 phút chiều, tại Bảo tàng nghệ thuật Mori (MAM) ở tầng 52 của tòa tháp Mori (Tokyo), khách xếp thành nhiều hàng để mua vé vào tham quan. Giá vé cho người lớn là 1.000 yên (tương đương 206.000 đồng). Giờ mở cửa thông thường ở MAM là từ 10 giờ đến 22 giờ. Sát giờ đóng cửa, nhiều khách tham quan người Nhật vẫn cố nán lại xem, ngắm, bàn luận về các tác phẩm.

Ngay tại một bảo tàng nghệ thuật đương đại nhỏ xinh của một ông chủ tư nhân lọt thỏm giữa cố đô Kyoto (Bảo tàng nghệ thuật đương đại Forever), mới đầu giờ mở cửa, 10 giờ sáng, khách đã nườm nượp... Theo chị Eriko Kimura, Giám tuyển của Bảo tàng nghệ thuật Yokohama (YMA), khách tham quan sự kiện Yokohama Triennale tại bảo tàng chủ yếu là người Nhật Bản, chiếm từ 80-85% tổng số lượng khách. Giá vé không hề rẻ, 1.800 yên/người lớn (tương đương 370.000 đồng) cho cả ba điểm triển lãm và chỉ có giá trị trong một ngày.

YMA được xem là nhà tổ chức cho Yokohama Triennale, nhưng sự kiện triển lãm này được bày ở ba địa điểm khác nhau, hợp thành một vòng tròn, quanh thành phố cảng biển xinh đẹp. Nếu khách tham quan cả ba điểm trưng bày thì sẽ được đi xe buýt miễn phí và nhân thể ngắm nhìn rất nhiều địa điểm không thể bỏ qua của thành phố. Ngay tại YMA, cách thức trưng bày các tác phẩm tạo cảm giác quy mô của triển lãm hẳn rất lớn, toàn bộ không gian của bảo tàng như dành trọn cho sự kiện này, không nhìn thấy đâu là nơi dành riêng cho trưng bày tĩnh (cố định). Nhân viên tình nguyện của sự kiện luôn cầm sẵn một hộp bút chì và khéo léo đưa cho khách nếu thấy họ ghi chép bằng bút khác. Chi tiết này có thể không đáng để ý nhưng nó được lặp lại ở tất cả các bảo tàng nghệ thuật mà người viết có dịp đi qua, cho thấy có một sự thống nhất đến từng chi tiết trong cách ứng xử của bảo tàng với nghệ thuật và với công chúng: chiếc bút chì sẽ giúp khách vẫn ghi chép được mà giúp tránh dây mực vào tác phẩm, nếu lỡ có xảy ra va chạm.

Yokohama Triennale với sự tham gia của 38 nghệ sĩ đương đại Nhật Bản và quốc tế diễn ra tại YMA, Khu di tích Nhà kho Gạch đỏ số một (Yokohama Red Brick Warehouse No.1), Khu tưởng niệm ngày mở cảng Yokohama (Yokohama Port Opening Memorial Hall); Sunshower (Tắm nắng) - Nghệ thuật đương đại Ðông Nam Á từ 1980 đến nay có hơn 100 tác phẩm của 86 nghệ sĩ thuộc 10 nước Ðông - Nam Á, diễn ra tại MAM và Trung tâm nghệ thuật quốc gia Tokyo (NACT); Hành lang châu Á - sự kiện nghệ thuật đương đại của đại diện nghệ sĩ ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc diễn ra tại Lâu đài Nijo-jo và Trung tâm nghệ thuật Kyoto...

Việc tham dự một cách tích cực vào đời sống nghệ thuật đương đại của các bảo tàng nghệ thuật ở Nhật Bản cho thấy cách mà các bảo tàng nỗ lực hướng mọi hoạt động của mình đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật thức thời của họ, đồng thời có thể qua đó dẫn dắt họ trong việc nâng cao nhận thức về thẩm mỹ của dân tộc mình nói riêng, các dân tộc khác trên thế giới nói chung.

Ở Nhật Bản... nhìn về bảo tàng nghệ thuật của Việt Nam

Do đặc thù của ngành bảo tàng nói chung ở Việt Nam, mỗi bảo tàng đều có một "chức năng, nhiệm vụ" cũng như cách vận hành nhất định nên dễ hiểu, lâu nay, tính kết nối giữa các bảo tàng với nhau và giữa bảo tàng với các địa chỉ trưng bày triển lãm bên ngoài rất thấp. Trong đó, nhóm các bảo tàng nghệ thuật ở Việt Nam cũng không hẳn ngoại lệ.

Năm 2017, Bảo tàng Mỹ thuật Ðà Nẵng được khánh thành, nâng con số bảo tàng Mỹ thuật có quy mô quốc gia và khu vực lên con số 3, bao gồm cả bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (cấp quốc gia, Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Ở các địa phương, nhất là những thành phố lớn, đều có các trung tâm triển lãm, gallery, bảo tàng tư nhân và công lập khác. Tuy nhiên, hầu như, nếu không muốn nói là ngay ở Thủ đô Hà Nội cũng chưa có một sự kiện mỹ thuật hoặc nghệ thuật đương đại lớn nào được tổ chức cùng lúc ở nhiều hơn một địa điểm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng chưa từng chủ trì tổ chức một sự kiện nghệ thuật đương đại có quy mô quốc gia nào. Nếu nhìn bề ngoài, nhiều bảo tàng của Việt Nam "sống động" bởi các dãy hàng quán cho thuê luôn đông khách, hoặc những dãy ô-tô thuê nơi đậu, song bên trong các không gian trưng bày thì hầu như tĩnh lặng như những hiện vật cố định ở đó.

Sức sống, sự thức thời đáp ứng nhu cầu công chúng của các bảo tàng nghệ thuật ở Nhật Bản có lẽ là những tham khảo hữu ích cho các bảo tàng nghệ thuật ở Việt Nam. Sự thay đổi đã là đòi hỏi bức thiết, trong đó, điều cốt lõi là làm thế nào để thu hút công chúng trong nước đến với hoạt động của mình, làm cho bảo tàng trở thành một thực thể sống đúng nghĩa.