Dấu hỏi trước một hành trình

Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam vừa ra đời đã và đang mang đến nhiều kỳ vọng cho các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, khi vấn đề tác quyền đối với những tác phẩm nghệ thuật sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu và như thế nào ở thời điểm này là những câu hỏi không nhỏ đặt ra với người trong cuộc.

Các thành viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.
Các thành viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

Gây nhiều tổn hại

Ðại hội thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra tại Hà Nội đã bầu ra Ban Chấp hành với 15 thành viên, Ban Thường vụ Hội gồm bảy thành viên, năm Phó Chủ tịch, chức danh Chủ tịch Hội chưa có. NSND Ðặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam được bầu làm Tổng Thư ký Hội.

NSND Ðặng Xuân Hải chia sẻ, trong bối cảnh sự xâm phạm tác quyền điện ảnh, truyền hình đang gia tăng chóng mặt, gây nhiều tổn hại cho các nhà sản xuất, các tác giả, nghệ sĩ thì việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam được kỳ vọng là một tín hiệu khả quan, nhằm "tuyên chiến" và đẩy lùi nạn này. Ông nêu rõ, sáng tác, sản xuất, phổ biến phim điện ảnh và truyền hình những năm qua phát triển mạnh mẽ nhờ chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh và truyền hình của Nhà nước. Sản lượng phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam tăng mạnh, tạo điều kiện cho công chúng khán giả thưởng thức nguồn sản phẩm nghe - nhìn hết sức phong phú về hình thức cũng như về xuất xứ chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp mà chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời, đã gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho các chủ sở hữu tác phẩm, khiến các nghệ sĩ vô cùng bức xúc.

Nhưng chính những người trong cuộc cũng thừa nhận, chặng đường phía trước còn rất gian nan. Việc bảo vệ tác quyền điện ảnh, truyền hình phải được bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, đến thời điểm này vẫn đang là câu hỏi "đau đầu" cho những người đảm nhận trọng trách ngồi "ghế nóng" của tổ chức này.

Khẳng định sự cần thiết ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, song đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần cũng băn khoăn, không biết hoạt động của Hội thời gian tới sẽ ra sao, vì điện ảnh là lĩnh vực có đặc thù. Không mấy ai tự bỏ tiền làm phim. Vì vậy, chủ sở hữu tác phẩm thường là một hãng phim hay đài truyền hình chứ không phải là một cá nhân. "Xưa nay tôi đã làm nhiều phim nhưng chưa bao giờ nhận được một khoản tác quyền nào. Thậm chí, mượn phim của mình làm để chiếu cho học sinh xem cũng không được. Như vậy, vai trò của từng tác giả sẽ được bảo vệ tác quyền như thế nào...", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bày tỏ.

Dấu hỏi trước một hành trình ảnh 1

Câu chuyện tác quyền đặt ra bài toán khó cho điện ảnh Việt Nam.

Khó, nhưng vẫn phải làm

Nghệ sĩ điện ảnh Quyền Linh, một trong năm Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam cho rằng, Hội ra đời trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, khi vấn đề tác quyền điện ảnh, truyền hình đang rất nhạy cảm. "Nhiều nghệ sĩ điện ảnh, các nhà sản xuất, hãng phim, đài truyền hình vẫn luôn bức xúc khi không bảo vệ được tác quyền cho tác phẩm mà họ đã phải mất rất nhiều mồ hôi, nước mắt và tâm sức để xây dựng nên. Nhiều tác phẩm bị đánh cắp bản quyền trắng trợn mà người trong cuộc hoang mang, không biết phải làm sao...", nghệ sĩ điện ảnh Quyền Linh tâm sự.

Anh cũng bộc bạch: "Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam dù còn non trẻ nhưng sẽ nỗ lực tìm đường đi hiệu quả để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình. Sau 6, 7 năm trời chuẩn bị, sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam thật sự là một khó khăn. Và chắc rằng đoạn đường phía trước còn gian nan gấp bội...". Nói về định hướng hoạt động của Hội, nghệ sĩ Quyền Linh tâm sự: "Chúng tôi đều xác định, điện ảnh, truyền hình là ngôi nhà của mình, có sự kiện hay dự án gì thì phải xông vào làm. Ðể có thể bảo vệ tác quyền cho các nghệ sĩ, Hội sẽ kêu gọi, quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư kỳ cựu để có những định hướng, bước đi đúng và hiệu quả...".

Theo đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương, chúng ta đang đi cùng với thế giới trong cuộc hội nhập, có rất nhiều bài học kinh nghiệm về bảo vệ bản quyền phim mà ta có thể học tập. Ðây cũng là vấn đề đang được nhiều quốc gia, bao gồm cả những cường quốc điện ảnh đặc biệt quan tâm. Nhiều nước đã xác định bảo vệ tác quyền là vấn đề của nhà nước. Trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển, câu chuyện tác quyền luôn đặt ra những bài toán khó. "Có quốc gia như Pháp đã có những tổ chức lớn về vấn đề bảo vệ bản quyền cho mọi lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí, họ có cả đội ngũ để đến các địa chỉ, vào cả các nhà thờ xem những bản nhạc được sử dụng tại đó có đáp ứng vấn đề bản quyền không. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dùng chế tài pháp luật phạt rất nặng. Chúng ta cũng phải như vậy, cần phải có hệ thống để phát hiện ra việc xâm phạm bản quyền, từ đó bảo vệ bản quyền cho các tác giả, các tổ chức. Hình thức xử phạt cũng phải rất nghiêm khắc mới có thể giải quyết được vấn đề", đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương nhấn mạnh.