Băn khoăn giữa lượng và chất trong hoạt động du lịch

Tính đến hết tháng 8, khách du lịch đến Hà Nội đã vượt qua con số 16,1 triệu lượt. Riêng khách quốc tế đạt con số ấn tượng: Gần 3,2 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng chưa có dấu hiệu chững lại. Song có một thực tế, khách du lịch đến Hà Nội đông, mà chi tiêu lại ít. Cùng với việc làm thế nào để phát triển ngành du lịch, đã đến lúc, Hà Nội cần hướng đến thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, thay vì nổi danh là địa chỉ du lịch giá rẻ.

Đã đến lúc Hà Nội nghĩ đến “chất” nhiều hơn là “lượng”.
Đã đến lúc Hà Nội nghĩ đến “chất” nhiều hơn là “lượng”.

Vui - buồn với những con số

Hà Nội sang thu cũng là khi mùa du lịch thật sự bắt đầu. Những tháng cuối năm là thời điểm ưa thích của khách quốc tế khi đến Hà Nội. Với con số 3,2 triệu lượt khách quốc tế, gần 13 triệu lượt khách nội địa đến Hà Nội trong tám tháng vừa qua, gần như chắc chắn, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2017 sẽ vượt mức 23,61 triệu lượt khách, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, như mục tiêu đã đề ra. Nếu đem so với Quy hoạch phát triển Du lịch Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được thông qua năm 2012, có thể thấy, rất nhiều con số trong Quy hoạch đã lạc hậu. Theo Quy hoạch này, thành phố phấn đấu năm 2020 tổng số khách đạt 23,2 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt người.

Nhưng những con số đầy ấn tượng, vượt xa các mục tiêu tăng trưởng không phản ánh hết bản chất vấn đề của du lịch Thủ đô. Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế khi đến Hà Nội khoảng 110 USD/người/ngày đêm. Số tiền này bao gồm cả lưu trú, ăn uống, đi lại, mua sắm. Khách nội địa chỉ vào khoảng một nửa con số kể trên. Một thí dụ điển hình là hiện trạng du lịch của huyện Ba Vì - một địa điểm được xem là “mỏ vàng” của Hà Nội về kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa. Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng, năm 2016, Ba Vì đón 2,6 triệu lượt khách, nhưng doanh thu từ du lịch chỉ đạt... 260 tỷ đồng. Chi tiêu bình quân mỗi khách đến Ba Vì là rất thấp, chỉ khoảng 100 nghìn đồng/người/ngày. Nhiều khách không lưu trú, mang đồ ăn theo. Câu chuyện ở Ba Vì phần nào giải thích tại sao, số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng cao, nhưng “chất lượng” đóng góp vào kinh tế vẫn chưa tương xứng.

Năm 2016, Hà Nội được trang du lịch nổi tiếng TripAdvisor bình chọn là thành phố dẫn đầu trong 10 điểm đến có giá rẻ nhất thế giới. Theo khảo sát của TripAdvisor, một chuyến du lịch kéo dài 3 ngày 3 đêm dành cho hai người ở Hà Nội chỉ tốn không quá 490 USD. Điều này mang lại niềm vui, xen lẫn những âu lo. Con số trên sẽ khuyến khích không ít khách du lịch tìm đến Hà Nội, nhưng điểm đến giá rẻ, đồng nghĩa với việc khách chi tiêu ít, và nguồn thu từ du lịch chưa cao.

Đã đến lúc thay đổi tư duy

Để hoạt động du lịch Hà Nội trong thời gian tới hiệu quả hơn, nhiều giải pháp đã được đưa ra như nâng cao chất lượng các tua, tuyến du lịch, tăng cường đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực... Thực tế, thành phố đang từng bước đầu tư các dự án lớn như: xây dựng Công viên Văn hóa giải trí Kim Quy (giai đoạn 1 có quy mô khoảng 100 ha trên địa bàn huyện Đông Anh), Khu du lịch, vui chơi, giải trí Tuần Châu (huyện Quốc Oai)...; phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc; triển khai Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng cấp các điểm đến quan trọng như Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Trong bảy nhiệm vụ mà Nghị quyết số 06-NQ/T.U ngày 26-6-2016 của Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, có nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, khái niệm “chất lượng cao” chưa được làm rõ. Các nhiệm vụ xây dựng sản phẩm du lịch vẫn chung chung. Trong khi đó, theo các chuyên gia, du lịch là một thị trường, và các nước đều xây dựng những tua, tuyến, điểm đến theo những phân khúc khác nhau, dành cho đối tượng khách hàng có năng lực chi tiêu khác nhau. Chất lượng cao thường được hiểu là dành cho những đối tượng có mức chi tiêu cao, yêu cầu thụ hưởng các dịch vụ tối ưu.

Lượng khách du lịch đến Hà Nội đã tăng trưởng ổn định ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng khả năng “chịu tải” là có giới hạn. Bởi thế, bây giờ là lúc nghĩ đến chuyện thoát khỏi cái mác “du lịch giá rẻ”. Đã đến lúc Hà Nội nghĩ đến “chất” nhiều hơn là “lượng”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, không nhất thiết phải thu hút đối tượng khách “Tây ba-lô” mà phải tập trung vào xây dựng các sản phẩm phục vụ khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, nhất là thị trường các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ.