Nâng cao ý thức, kiểm soát dịch bệnh

Sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã quán triệt các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vẫn diễn ra phổ biến. Ðây là vấn đề cần sự quan tâm và "vào cuộc" của toàn xã hội.

Nhiều người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi dạo chơi, tham quan tại khu vực phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ
Nhiều người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi dạo chơi, tham quan tại khu vực phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Công điện 1300/CÐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, nhấn mạnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp: Ðeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc… Mới đây, tại Nghị định 117/2020/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, từ ngày 15-11-2020, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng bị tăng mức phạt lên gấp 10 lần, tức là có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Trước đó, theo Nghị định 176/2013/NÐ-CP, mức phạt cho hành vi này chỉ từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng. Dù mức phạt lần này được nhiều người đánh giá là nghiêm và đủ sức răn đe, nhưng ngay tại TP Hồ Chí Minh, nơi ghi nhận ca mắc Covid-19 mới đây, vẫn còn tâm lý chủ quan, thờ ơ trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Khảo sát tại khu vực nút giao đường Lê Quý Ðôn - Võ Văn Tần (quận 3, TP Hồ Chí Minh), chứng kiến hàng loạt người di chuyển trên đường, nhưng phần lớn vẫn không đeo khẩu trang. Tương tự, ở các đoạn đường đông đúc thuộc quận Phú Nhuận số người đeo khẩu trang vẫn còn ít. Anh Nguyễn Quang Hưng, trú tại đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận cho biết: "Tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, bất kể khi nào ra đường. Nhưng khi tới một số nơi công cộng mấy ngày qua, tôi vẫn thấy rất nhiều người không quan tâm việc đeo khẩu trang. Chắc họ cho rằng hết dịch rồi".

Tại Hà Nội, cũng đã chính thức áp dụng quy định người dân phải thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng, trên phương tiện giao thông như biện pháp bảo vệ cá nhân. Theo đó, TP Hà Nội đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, nhất là quan tâm việc chủ động phòng, chống tại cộng đồng. Thành phố cũng đã yêu cầu người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều người dân chủ quan, không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng.

Khảo sát thực tế của chúng tôi, tại một số địa điểm công cộng tại Hà Nội như: Cổng các trường đại học, chợ truyền thống, công viên, bến xe buýt, quán trà đá… người dân nói chung khá "thờ ơ" với việc phòng, chống dịch Covid-19. Tại chợ cóc đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa (Cầu Giấy) vẫn còn tình trạng có người không đeo khẩu trang, hoặc có người đeo khẩu trang trong quá trình đến chợ, nhưng khi hỏi mua hàng, tiếp xúc với tiểu thương lại bỏ khẩu trang xuống để giao tiếp. Nhiều người đeo khẩu trang nhưng không đúng quy chuẩn, không có tác dụng phòng, chống dịch bệnh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ông Trần Văn Trung, nguyên cán bộ y tế ở phường Ngọc Khánh (Ba Ðình) chia sẻ: "Mặc dù công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, về cơ bản dịch đã được khống chế, nhưng tôi thấy nhiều người dân rất chủ quan, không bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như cộng đồng".

Cùng với những biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ cũng như các cấp, chính quyền và sự phối hợp hiệu quả từ người dân, Việt Nam đang được đánh giá là một điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19. Khi nhiều quốc gia trên thế giới đang trong tình cảnh "vỡ trận", vì số ca nhiễm, bị chết do Covid-19 không ngừng tăng cao, thì Việt Nam đang duy trì tốt việc kiểm soát dịch bệnh trong nước, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Song, việc còn một số cá nhân, tổ chức thiếu ý thức, không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch dẫn đến việc để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian tới là dịp Nô-en, Tết Dương lịch và chuẩn bị tới Tết Nguyên đán, cho nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn. Do vậy, các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các nhà hàng ăn uống, bến xe, siêu thị... phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm việc quản lý người nhập cảnh ở các khu cách ly, không để lây chéo, lây lan ra ngoài cộng đồng. Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K, gồm: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

"Việc người dân không đeo khẩu trang, không chấp hành các biện pháp phòng dịch không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Ðảng, Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn y tế, ảnh hưởng đến chính sức khỏe, tính mạng của mỗi cá nhân. Cần thiết phải có biện pháp quyết liệt và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm".

Giáo sư NGUYỄN GIA KHÁNH

Chuyên gia Bộ Y tế

"Tôi cho rằng, Nghị định 117/2020/NÐ-CP ban hành thay thế Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định tăng mức phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch là rất hợp lý và cần thiết. Bởi lẽ hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày đều có rất nhiều ca mắc mới và những con số tử vong vẫn chưa dừng lại".

Luật sư THU HÀ

(Văn phòng Luật sư Thu Hà, Hà Nội)

"Chợ là nơi tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan cũng như rất khó kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở nên tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm, xem thường sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng".

NGUYỄN VĂN TRUNG

(Quận Cầu Giấy, Hà Nội)