Giải quyết dứt điểm khúc mắc tại Dự án Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ (Bắc Giang)

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh thắc mắc về việc thực hiện các phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại khu B Dự án Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ðể làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Việt Yên, các sở, ngành liên quan và một số hộ dân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Dự án Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng.
Dự án Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng.

Năm 2015, khu B Dự án Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ (gọi tắt là Dự án) được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận đầu tư và giao cho các sở, ngành chức năng, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Chính quyền địa phương đã thực hiện các bước công khai Dự án theo quy định, như: Thông báo chủ trương thu hồi đất; thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB, phương án đền bù… Tuy nhiên, khi triển khai, một số hộ dân không đồng thuận khiến một phần Dự án chưa thể triển khai theo đúng tiến độ. Lý do như các hộ nêu là giá tiền hỗ trợ, bồi thường chưa thỏa đáng và yêu cầu được nhận đất dịch vụ.

Ðể làm rõ những thắc mắc của các hộ dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền, ban bồi thường GPMB của Dự án. Ông Thân Quang Phương, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (huyện Việt Yên) cho biết: Có thể do một số người dân hiểu dự án này giống như lúc thu hồi đất làm dự án khu công nghiệp năm 2003. Chúng tôi được biết thì tất cả những dự án về sau này không còn xây dựng tiêu chí hỗ trợ đất dịch vụ cho nên không thể đáp ứng yêu cầu của các hộ dân. Ngoài ra, một số hộ cho rằng mức giá đền bù là 78 triệu đồng/sào thấp hơn mức giá mà tỉnh lân cận là Bắc Ninh đang áp dụng. Mặc dù từ khi lập dự án đến nay đã có rất nhiều phiên họp đối thoại giữa chính quyền các cấp và các hộ dân, nhưng hiện còn hơn 20 hộ bị thu hồi 100% diện tích đất chưa nhận tiền đền bù.

Báo cáo của ban bồi thường GPMB Dự án cho thấy: Trong quá trình thiết lập hồ sơ Dự án, hai xã Hồng Thái và Hoàng Ninh của huyện Việt Yên có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi rất lớn để thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp khác trước đó. Những hộ bị thu hồi đất làm dự án khu công nghiệp tỉnh vẫn có tiêu chí giao đất dịch vụ hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất. Chính vì vậy, khi triển khai Dự án có tồn tại của việc giao khoảng 900 lô đất dịch vụ tiêu chí, diện tích 72 m2 cho người dân bị thu hồi đất chưa được nhận của dự án trước. Thực tế, đến thời điểm này, chủ đầu tư đã đầu tư hạ tầng đồng bộ và giao 252 lô đất dịch vụ tiêu chí cho người dân xã Hồng Thái. Còn lại một số diện tích khác thuộc các thôn Hoàng Mai 1, 2, 3 (xã Hoàng Ninh) đã có trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt của khu đô thị này, nhưng do công tác bồi thường GPMB đang thực hiện cho nên chưa giao cho người dân.

Lý do khi thực hiện Dự án, tỉnh không xây dựng phương án hỗ trợ bằng đất dịch vụ là do quy định rõ trong Luật Ðất đai 2013. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Ngô Văn Xuyên cho biết: "Trước đây, thu hồi đất ngoài việc bồi thường hỗ trợ theo giá đất còn có chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng đất ở kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, thực hiện Luật Ðất đai năm 2013, việc chuyển đổi nghề không được hỗ trợ đất dịch vụ mà bằng tiền theo quy định của Chính phủ, giá trị từ hai đến năm lần giá đất. Ðối với tỉnh Bắc Giang, hiện quy định mức hỗ trợ gấp ba lần giá đất là phù hợp với chủ trương, chính sách nhất quán trong việc thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Người dân không thể tính mức giá ngang bằng với một số địa phương khác là đô thị loại I. Mặt khác, bảng giá đất và quyết định giá đất đã được ban hành, tính toán phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, giá đất trồng lúa và cây hằng năm là 50.000 đồng/m2; tổng mức hỗ trợ là 150.000 đồng/m2; tổng mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đối với 1 m2 đất nông nghiệp là 217.200 đồng, quy ra sào Bắc Bộ là 78.192.000 đồng/sào.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Văn Phương, vì đây là Dự án do Nhà nước triển khai với mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho nên áp giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Mức giá này được Hội đồng định giá của tỉnh thẩm định, ban hành để ban bồi thường GPMB thực hiện. Về phía Công ty Lam Sơn là đơn vị được tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án, sau khi Dự án hoàn thành, nguồn thu ngân sách từ Dự án sẽ khấu trừ trả lại phần Công ty Lam Sơn đã đầu tư. Ông Phương cũng khẳng định, mức bồi thường, hỗ trợ như Dự án đang thực hiện không thấp nếu so sánh với mức thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, người dân địa phương cũng được hưởng lợi khi chủ đầu tư đã xây dựng sân chơi, nhà văn hóa thôn, các công trình phúc lợi xã hội. Chưa kể khi Dự án hoàn thành, người dân cũng sẽ có nhiều cơ hội việc làm…

"Ðể thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra, tỉnh, huyện đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cũng như tranh thủ lớn nhất sự ủng hộ của người dân đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đã có văn bản gia hạn cho Dự án đến năm 2020", ông Nguyễn Văn Phương cho biết.

Ự án Khu đô thị Ðình Trám - Sen Hồ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Việt Yên nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Những khúc mắc trong việc thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ giữa chủ đầu tư và người dân cần phải được hiểu đúng theo quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để tạo được sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Dự án, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động. Bên cạnh đó, đối với những hộ dân bị thu hồi 100% đất sản xuất, các cơ quan, đơn vị liên quan cần vận dụng chính sách linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân có việc làm, có cơ hội chuyển đổi sản xuất, có thu nhập để ổn định cuộc sống.

Nếu Dự án được hoàn thiện thì người được hưởng lợi không ai khác chính là người dân chúng tôi cho nên phần lớn ủng hộ Dự án. Tuy nhiên, một số ý kiến so sánh giá đền bù với tỉnh khác và cho rằng mức đền bù GPMB của Dự án này là hơn 78 triệu đồng/sào vẫn còn thấp.

THÂN VĂN TUY, Trưởng thôn Hùng Lãm 1 (xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)

Ðây là Dự án được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trước hết là vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sau là nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, cá nhân, tổ chức liên quan cần hiểu đúng, đầy đủ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ. Tỉnh cũng thống nhất hết thời gian gia hạn mà các hộ dân vẫn không nhất trí, không bàn giao được mặt bằng thì sẽ khép hồ sơ, tổ chức cưỡng chế.

NGUYỄN THỊ THU HÀ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang