Giải pháp tổng thể nhằm giảm tai nạn lao động

Mặc dù công tác bảo đảm an toàn lao động được xác định là quan trọng, cấp bách và luôn được các cấp, các ngành "đặt lên hàng đầu", tuy nhiên tình hình tai nạn lao động (TNLÐ) vẫn diễn ra thường xuyên với nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Hiện trường vụ tai nạn lao động tại phường Phù Ðổng, TP Plây Cu (Gia Lai) xảy ra ngày 10-6-2019. Ảnh: VĂN NGỌC
Hiện trường vụ tai nạn lao động tại phường Phù Ðổng, TP Plây Cu (Gia Lai) xảy ra ngày 10-6-2019. Ảnh: VĂN NGỌC

Từ đầu năm 2019 đến nay có hàng trăm vụ TNLÐ xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Ðiển hình là vụ tai nạn sập tường ở khu công nghiệp Phú Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xảy ra đầu tháng 3-2019 khiến bảy người chết và nhiều người bị thương. Ngay trong tháng 6-2019, tại Công ty Than Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xảy ra liên tiếp hai vụ TNLÐ khiến hai người chết và nhiều người bị thương. Tối 8-8 vừa qua, tại công trường xây dựng cây xăng của Công ty cổ phần Thương mại Minh Tân ở xã Bắc Sơn, huyện An Dương xảy ra vụ sập giàn giáo khiến một người chết và bảy người bị thương nặng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn nói trên được xác định là do không bảo đảm các quy định về an toàn lao động và vi phạm quy định về xây dựng. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, hiện nay các vụ TNLÐ chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư, tổ chức dự án quản lý dự án không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chất lượng, khảo sát, thiết kế, thi công và lựa chọn nhà thầu.

Theo thống kê của các ngành chức năng, trong năm 2018, toàn quốc xảy ra 7.997 vụ TNLÐ làm 8.229 người bị nạn, trong đó, có 1.039 người chết, 1.939 người bị thương nặng vì TNLÐ. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 22 vụ TNLÐ. Ðáng lưu ý, TNLÐ nghiêm trọng (có từ hai người bị nạn trở lên) có chiều hướng gia tăng, xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí. Những địa phương có số người chết vì TNLÐ nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Ðồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam và Bình Dương. Mặc dù, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về an toàn, vệ sinh lao động và lấy tháng 5 hằng năm là Tháng an toàn, vệ sinh lao động với nhiều hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, nhưng ngay trong Tháng an toàn, vệ sinh lao động, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân TNLÐ do từ phía người sử dụng lao động chiếm tới 46,49%, khi không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ, và thiết bị không bảo đảm an toàn lao động. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42%, còn lại 35,06% là những vụ TNLÐ xảy ra do các nguyên nhân khác. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về chi phí tiền thuốc, mai táng phí, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương gần 1.500 tỷ đồng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để giảm đến mức thấp nhất các vụ TNLÐ, điều quan trọng là cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp dân doanh vì chủ yếu tai nạn lao động xảy ra nhiều ở khu vực này. Tại những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín nhất là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài rất ít xảy ra TNLÐ. Tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật và ý thức trách nhiệm đối với người lao động để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn cho chính mình trong quá trình lao động. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những đơn vị vi phạm. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những đơn vị chưa bảo đảm các quy định về an toàn lao động cũng như tăng cường xử lý hình sự đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra TNLÐ
nghiêm trọng.