Cần xử lý nghiêm các đối tượng nhập lậu dược liệu

Nhiều bạn đọc phản ánh, hiện nay tại các chợ của tỉnh Lạng Sơn như: Tân Thanh (Văn Lãng); Đồng Đăng (Cao Lộc)... có nhiều quầy hàng bán tràn lan, công khai các loại dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người mua thuốc về dùng đã bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe...

Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn tịch thu một số dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn tịch thu một số dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chị Hoàng Thị H có quầy bán hàng nhỏ ở chợ thị trấn Đồng Đăng nói: Những loại dược liệu như: cam thảo bắc, tam thất, gói thuốc bắc “Thập toàn đại bổ”... đều được chị mua dược liệu về rồi tự pha chế với nhiều vị thuốc, các loại dược liệu này đều nhập lậu từ biên giới về. Thuốc được đóng gói trong túi ni-lông, bên ngoài ghi sơ sài tên gọi như: quả la hán, dâm dương hoắc, ba kích tím, sâu chít... với giá rất rẻ. Thuốc được bán chủ yếu cho khách tham quan du lịch mang về làm quà, khách muốn lấy bao nhiêu cũng được... Lương y Hoàng Quang Minh ở khối 8, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn cho biết: Hầu hết các chủ hàng bán dược liệu ở khu vực chợ đều không biết tính năng, công dụng của từng loại thảo dược cho nên người mua thuốc về sử dụng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhiều vụ ngộ độc thuốc đã xảy ra. Vì vậy, các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh các loại thảo dược nhập lậu mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 24-4-2019 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã phối hợp Đồn Công an Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Trung tâm kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, kiểm tra đột xuất sáu cơ sở kinh doanh các mặt hàng dược liệu bằng các xe đẩy lưu động tại ngã tư đường trục chính chợ cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng). Tại thời điểm kiểm tra, sáu hộ kinh doanh bày hàng trên xe đẩy bán cho khách du lịch đến mua sắm tại các chợ trong cửa khẩu Tân Thanh. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều mặt hàng dược liệu nhập lậu, một số dược liệu khác không rõ nguồn gốc, không ghi nhãn hàng hóa gồm: củ tam thất, táo tầu đỏ, quả la hán, nụ hoa tam thất, quả táo mèo khô thái lát, hà thủ ô, quả dứa rừng khô thái lát, nấm ngọc cẩu sấy khô, cây xạ đen rừng, thuốc dầu xoa bóp... với số lượng hơn 530 kg. Tổng giá trị hàng hóa tạm giữ ước khoảng 100 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra sáu cơ sở kinh doanh nêu trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 9 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xác minh các tình tiết có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn Hoàng Ngọc Lâm, cho biết: Từ tháng 4 đến nay, các lực lượng quản lý thị trường, công an và đoàn kiểm tra của ngành y tế, đã kiểm tra các quầy dược liệu tại các khu chợ: Đông Kinh (TP Lạng Sơn); Tân Thanh (huyện Văn Lãng); Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)... Qua kiểm tra, các chủ hàng đều không xuất trình, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các loại dược liệu, đồng thời không xuất trình được giấy phép kinh doanh mặt hàng này... Nhiều loại dược liệu khô có dấu hiệu mốc, thuốc đông dược đóng chai không có nhãn sản phẩm, không có hướng dẫn sử dụng... Thực tế nêu trên cho thấy: việc quản lý nguồn dược liệu bán trên thị trường tỉnh Lạng Sơn còn khá lỏng lẻo. Thể hiện rõ nhất qua hoạt động kinh doanh tại các chợ khu vực cửa khẩu như Tân Thanh, Đồng Đăng..., phần lớn quầy bán (cố định và lưu động) đều tự phát. Nhiều chủ hàng bày bán một số loại dược liệu, thuốc đông y không nằm trong danh mục cho phép kinh doanh.

Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn Hoàng Xuân Tiến thừa nhận: Thời gian qua, trên địa bàn Lạng Sơn đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc hay bị phản ứng do sử dụng một số loại rượu ngâm cây thuốc. Qua thực tế kiểm tra của ngành y tế cho thấy, nguy cơ nhiễm độc do sử dụng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc là rất cao. Để kiểm soát thị trường dược liệu, thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường lực lượng, tổ chức thanh tra các cơ sở kinh doanh dược liệu, các loại đông dược. Ngành cũng sẽ phối hợp các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, công an kiểm tra thường xuyên và đột xuất tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu trong tỉnh. Ngành sẽ xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh đông dược không bảo đảm điều kiện về chất lượng thuốc và điều kiện kinh doanh mặt hàng đặc thù này.

Các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh như: biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... cần tiếp tục tăng cường kiểm soát đường biên, khu vực cửa khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng vận chuyển, nhập lậu các loại dược liệu không rõ nguồn gốc từ biên giới vào nội địa.