Cần sớm có phương án giải tỏa, di dời người dân ở dự án Khe Cạn

Dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn, thuộc phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và một phần của phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (TP Ðà Nẵng) được phê duyệt quy hoạch từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay hàng trăm hộ dân trong khu vực dự án Khe Cạn vẫn chưa được di dời, phải sống chung với ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi… vì vướng mắc trong khâu đền bù, tái định cư.

Dòng nước Khe Cạn đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc giữa nắng hè bỏng rát. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở tổ 20, phường Thanh Khê Tây, đại diện cho nhóm hộ dân ở đây cho biết: Từ hàng chục năm trước, vì khó khăn về chỗ ở, nhiều người đã đến khu vực Khe Cạn mua đất, làm nhà ở. Ðến năm 2017, chính quyền quận bắt đầu triển khai việc đo đạc, tính toán để đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư. Tuy nhiên, theo phân kỳ I có 134 hộ phải giải tỏa, di dời, thì chỉ 19 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là được đền bù, bố trí đất tái định cư, 17 hộ được thuê căn hộ chung cư, còn lại 98 hộ giải tỏa chỉ được hỗ trợ di dời, chứ không được đền bù đất đai, nhà cửa, không được bố trí tái định cư vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không đồng tình với phương án di dời, hỗ trợ của quận Thanh Khê, gần 100 hộ dân phường Thanh Khê Tây gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, mong muốn được xem xét, bảo đảm quyền về nhà ở, bởi nếu không, họ sẽ không có chỗ ở sau khi tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng. "Khi làm dự án, những ai có sổ đỏ thì được bố trí tái định cư, còn những người dân hiện đang sinh hoạt tại địa phương bị mắc kẹt lại do không được bố trí tái định cư với lý do không có sổ đỏ. Chúng tôi muốn làm sáng tỏ vì sao bị kẹt ở đây và chính quyền Thanh Khê lấy đất mà để dân không có chỗ ở thì liệu có đúng quy định của pháp luật không?", chị Nguyễn Thị Phượng bức xúc. Ðồng quan điểm, ông Lê Trọng Hiệp, 77 tuổi, ở tổ 27 phường Thanh Khê Tây nói: "Vì sao trên cùng một khu vực, có người làm được sổ đỏ, người không? Tại sao người có sổ đỏ được bố trí tái định cư, còn người không có sổ không được bố trí tái định cư? Với số tiền hỗ trợ vài trăm triệu đồng, chúng tôi sẽ chuyển đi đâu, sống ở đâu?".

Bên cạnh đó, một số trường hợp có sổ đỏ, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí đất tái định cư. Trường hợp ông Bùi Văn Nuôi có mảnh đất nằm trong khu vực giải tỏa dự án Khe Cạn thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã có sổ đỏ. Ông Nuôi cho biết, từ tháng 6-2019, Ban Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu đã đo đạc, tiếp nhận hồ sơ. Nguyện vọng của gia đình ông là sớm được bố trí đất tái định cư, đền bù theo đúng quy định để sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng đến nay đã hơn một năm vẫn chưa được bố trí, chưa đền bù.

Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây Lê Thị Nhật Diệu cho biết: Người dân phải giải tỏa ở dự án Khe Cạn đều mong muốn được bố trí đất tái định cư. Tuy nhiên, nhiều hộ xây nhà trên đất nông nghiệp, có giấy phép tạm cam kết không mua bán chuyển nhượng và tự tháo dỡ không yêu cầu đền bù khi quy hoạch, những hộ khó khăn về nhà ở sẽ được xem xét bố trí thuê căn hộ chung cư. Còn việc một số hộ phải nộp thuế theo diện đất phi nông nghiệp là do quy định, khi người dân làm nhà trên đất nông nghiệp thì mục đích sử dụng là phi nông nghiệp, do vậy phải thu thuế phi nông nghiệp, chứ không phải Nhà nước công nhận đất ở.

Trong khi đó, ông Trần Trung Nam, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê khẳng định: Dự án Khe Cạn là đất nông nghiệp thuần túy, chưa được các cơ quan quy hoạch. Trong kế hoạch sử dụng đất vẫn là đất nông nghiệp và chưa có quy hoạch đất ở hay cấp giấy chứng nhận cho các hộ, hay có chủ trương bố trí đất ở cho các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ khoảng năm 2005 đến 2015, nhiều người tới đây làm ăn buôn bán mới xảy ra tình trạng làm nhà trên đất nông nghiệp. Sau đó, một số ít trường hợp tiến hành thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, còn phần đông các hộ vẫn có nhà trên đất nông nghiệp.

UBND thành phố Ðà Nẵng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp để tìm phương án giải quyết, hỗ trợ các hộ có nhà trên đất nông nghiệp trong khu dân cư từ 20 đến 50% giá trị đất ở với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính quyền quận Thanh Khê và UBND thành phố Ðà Nẵng cũng cần tính đến phương án bố trí tái định cư hoặc cho người thuê chung cư đối với các trường hợp có nhà ở trên đất nông nghiệp, phải giải tỏa, di dời những hộ dân đang sống trên dự án, tránh gây bức xúc trong nhân dân.