Gợi mở hướng phát triển du lịch Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng có những bước phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - du lịch động lực của miền trung. Cùng với sự quan tâm quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, du lịch thành phố những năm qua cũng có bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều hạn chế trong xây dựng thương hiệu, tạo dựng sản phẩm, tính chuyên nghiệp và cạnh tranh.

Cuộc thi dù bay quốc tế đầu tiên trên biển Đà Nẵng được tổ chức cuối tháng 5-2012 thu hút đông đảo du khách. Ảnh: THANH LỘC.
Cuộc thi dù bay quốc tế đầu tiên trên biển Đà Nẵng được tổ chức cuối tháng 5-2012 thu hút đông đảo du khách. Ảnh: THANH LỘC.

Đà Nẵng luôn tạo được ấn tượng mới mẻ cho du khách, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng đường giao thông và cầu qua sông. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2003 của thành phố là 4.670 tỷ đồng, đến năm 2013 tăng lên đạt gần 28 nghìn tỷ đồng. Một hệ thống đường du lịch ven biển từ Liên Chiểu - Thuận Phước và Sơn Trà đến Non Nước đã được xây dựng. Sáng 29-3-2013, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn được chính thức khánh thành với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Hai cây cầu đều có nét độc đáo về kiến trúc như dáng hình rồng mạnh mẽ và cánh buồm căng gió đang vươn ra đại dương. Hai cây cầu mới đã hoàn thiện hệ thống cầu bắc qua sông Hàn là điều kiện để đầu tư du lịch phát triển.

Mười năm qua, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 60 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư hơn ba tỷ USD, tập trung các khu vực như: Bán đảo Sơn Trà, tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, Hải Vân - Nam Ô, Bà Nà -Suối Mơ. Năm 2012, thành phố đón 2,5 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 800 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng lượng khách du lịch đến thành phố giai đoạn 2003-2013 ước đạt 16 triệu lượt, tăng 19,3%/năm; doanh thu du lịch thuần túy ước tăng 23,5%/năm với giá trị năm 2013 ước đạt 2.800 tỷ đồng.

Các dự án nhà nghỉ, khách sạn, resort tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư và đi vào hoạt động ngày một nhiều dọc theo bờ biển. Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động như: Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, Vinpearl Danang (giai đoạn 2), Cao ốc Azura, Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2), Sunrise Resort, Novotel Hotel... từ nay đến năm 2015 sẽ có thêm hàng chục dự án đầu tư khác như: Son Tra Resort and Spa (giai đoạn 3, 4), Vinacapital Resort và Sân golf (giai đoạn 3), Le Meridien... Tạp chí kinh tế nổi tiếng của Mỹ Forbes đã bình chọn bãi biển Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh. Thành phố còn có lợi thế là đầu mối giao thông của khu vực với sân bay quốc tế lớn, có cảng nước sâu Tiên Sa, điểm mút của tuyến hành lang Đông -Tây (EWEC), đã đón nhiều tàu du lịch đường biển. Ngoài việc đầu tư hạ tầng, năm nào Đà Nẵng cũng tổ chức các lễ hội du lịch, đua thuyền buồm thể thao, từ năm 2007 có thêm lễ hội bắn pháo hoa quốc tế. Có thể nói Đà Nẵng đang có một cơ sở hạ tầng và cơ sở ăn nghỉ tuyệt vời cho du khách...

Nhưng nhìn lại, có thể nhận thấy du lịch Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với đầu tư. Có người bảo "du lịch Đà Nẵng giẫm chân tại chỗ", "thừa lượng mà thiếu chất"; có người lại phàn nàn "đến Đà Nẵng tắm biển xong rồi không biết đi đâu nữa", "môi trường du lịch bị ô nhiễm"... Nói cách khác, du lịch Đà Nẵng đang thiếu sức hút so với hai trung tâm du lịch khác là Hội An (Quảng Nam) và Huế (Thừa Thiên - Huế), đồng thời cũng chưa làm tròn được vai trò hạt nhân về du lịch trong vùng kinh tế trọng điểm. Năm 2012, cả nước đón 6,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó Hội An 1,2 triệu lượt, Huế 1 triệu lượt, còn Đà Nẵng chỉ đón được 800 nghìn lượt khách. Phải nói thẳng, du lịch Đà Nẵng phần nào chưa có được một thương hiệu nổi bật. Tiềm năng thì lớn nhưng sản phẩm du lịch lại đơn điệu. Du khách đến Đà Nẵng đi thăm Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chàm, Khu nghỉ mát Bà Nà, Làng đá Non Nước, đèo Hải Vân... thế là hết. Không có sản phẩm du lịch thì không thu hút du khách đến lần thứ hai. Kinh tế du lịch của một thành phố không phải là các khách sạn nhiều sao mà cái chính là tạo ra sản phẩm du lịch có sức thu hút để giữ chân du khách, từ đó mà tạo điều kiện cho xuất khẩu tại chỗ phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người. Thu nhập xã hội từ du lịch cao hơn nhiều lần và có ý nghĩa hơn nhiều lần thu nhập thuần túy từ ngành du lịch.

Gợi mở hướng phát triển du lịch Đà Nẵng ảnh 1

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế là một hoạt động hiệu quả thu hút du khách đến với Đà Nẵng.

Ảnh: THANH LỘC

Cũng từ thực trạng đó, theo nhiều nhà quản lý và kinh doanh, hoạt động trong các lĩnh vực của du lịch, thời gian tới, Đà Nẵng cần tập trung làm tốt ba vấn đề, tạm gọi đó như là ba điều ước cho tương lai phát triển của du lịch thành phố. Trước hết, Đà Nẵng cần xây dựng được một thương hiệu du lịch của mình. Là thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng không nên chỉ nghĩ "làm du lịch trong địa bàn của mình" mà phải phấn đấu và hướng tới thật sự trở thành trung tâm du lịch của cả miền trung - Tây Nguyên và cả nước, xa hơn nữa là khu vực và quốc tế, là tâm điểm của nhiều tuyến du lịch. Có mở rộng tầm nhìn như thế mới xây dựng các tua, tuyến du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Từ đó chủ động phối hợp với các địa phương như Hội An, Huế, Bình Định, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, nối các tuyến du lịch lễ hội, Festival từ những địa bàn khu vực về Đà Nẵng.

Có người cho rằng, du lịch Đà Nẵng đang sống chủ yếu dựa vào sản phẩm du lịch của Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Địa đạo Vịnh Mốc, Động Phong Nha... Điều đó không sai và cần phải mở rộng ra cả nước và nước ngoài. Thương hiệu Du lịch Đà Nẵng phải được xây dựng trên tầm nhìn mở ấy. Phải xây dựng các tổ chức lữ hành thật mạnh, thật hiệu quả, biến Đà Nẵng thành trung tâm phân phối khách du lịch cho cả khu vực. Đây là một thế mạnh của Đà Nẵng mà không phải địa phương nào cũng có. Muốn thế, Đà Nẵng phải nghiên cứu tổ chức những lễ hội văn hóa mang tính vùng miền và đầu tư quảng bá quy mô hơn như đua thuyền buồm thể thao, bắn pháo hoa quốc tế. Riêng lễ hội pháo hoa, có thể tổ chức mời thêm nhiều đoàn trong nước tham gia. Đà Nẵng có thể tổ chức Festival múa hát dân gian quốc tế, các lễ hội cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh và Tây Nguyên, miền trung, Trại điêu khắc tượng dân gian quốc tế, v.v. Những lễ hội tầm cỡ như thế mới tạo ra phong cách của một trung tâm động lực.

Để xây dựng được thương hiệu du lịch cần tạo ra được những sản phẩm du lịch mang tính văn hóa đặc trưng, có sức sống trường tồn bằng cách khai thác nội lực văn hóa truyền thống. Thí dụ như các lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực của người Chăm tại khu vực Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng trong những ngày Tết của đồng bào dân tộc Chăm. Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cần được đầu tư theo hướng mở rộng không gian du lịch, khai thác sâu các khía cạnh văn hóa tôn giáo, tâm linh, để thu hút được du khách. Hãy học tập cách làm "Đêm rằm phố cổ", hô bài chòi ở Hội An, hay "chợ quê ngày hội" ở Huế... Những tập tục sinh hoạt, lễ hội dân gian của cư dân đánh cá, trồng rau, làm đồ gốm, lễ hội cồng chiêng của người Cơ Tu cũng có thể biến thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, du khách được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và tiếp nhận văn hóa. Riêng làng đá Non Nước có thể trở thành một biểu trưng du lịch, một sản phẩm hấp dẫn du khách. Với hơn 215 cơ sở sản xuất với nhiều nghệ nhân giỏi đã có tác phẩm điêu khắc đá đặt tại các công viên ở Đài Loan (Trung Quốc), Xin-ga-po... có thể biến Đà Nẵng thành "thành phố tượng" như mơ ước của một nhà báo. Hay khai thác các yếu tố lịch sử, những huyền sử về một thời khai hoang mở cõi, hình thành vùng đất Quảng của người Việt... Có thể dẫn ra rất nhiều sự tích lịch sử, tập tục và truyền thống văn hóa để có thể biến thành sản phẩm du lịch đặc trưng Đà Nẵng. Vấn đề còn lại là người làm và cách thức tổ chức đầu tư. Nếu bớt đi một phần vốn đầu tư khu du lịch, khách sạn để đầu tư mạnh cho sản phẩm du lịch, chắc chắn du lịch thành phố sẽ có thương hiệu mạnh.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang thiếu một công nghệ du lịch hoàn thiện. Mục đích của ngành du lịch bất cứ nước nào đều là "thu hút thật nhiều khách, làm cho khách ở lâu hơn và chi tiêu thật nhiều tiền". Muốn đạt được mục đích đó phải có "một công nghệ du lịch hoàn thiện" và ngày càng chuyên nghiệp, toàn thành phố làm du lịch, chứ không phải từng khách sạn, nhà hàng ngồi chờ "hứng nước mưa trời". Công nghệ du lịch là đầu tư tạo ra các sản phẩm để thu hút và giữ chân du khách và đổi mới để luôn hấp dẫn du khách. Công nghệ đó là toàn bộ quy trình liên kết các khâu liên hoàn: đầu tư vốn - sản phẩm du lịch, tuyến, tua, khu vui chơi, ăn uống - bảo tàng -khách sạn - nhà hàng - vận tải - lữ hành quốc tế - hàng lưu niệm -quảng bá tiếp thị ra thế giới... Tất cả phải được quy hoạch chi tiết và phân công phối hợp thực hiện theo nguyên tắc thống nhất (trách nhiệm, vốn, nhân lực, giá cả, tỷ lệ ăn chia...). Du lịch Đà Nẵng hiện nay chưa hình thành một công nghệ du lịch, mà chỉ nghiệp dư, mạnh ai nấy làm, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các ngành, các địa phương. Một thí dụ về tính thiếu chuyên nghiệp: Cách đây 15 năm (1999), ông Pôn Xtôn, Giám đốc khách sạn Furama đã đề xuất ý tưởng thành lập Con đường Di sản thế giới miền trung tại một cuộc họp của Tổ chức Du lịch thế giới ở Đức. Đầu năm 2002, các tỉnh miền trung đã nhất trí phối hợp xây dựng "con đường" này do ông Pôn Xtôn làm Tổng thư ký Ban điều hành. Nhưng rồi do sự phối hợp liên kết giữa các tỉnh, giữa Trung ương với địa phương chưa tốt, cho nên sản phẩm du lịch mang tầm cỡ thế giới này đã không có hiệu quả.

Hoạt động du lịch hiện nay phải cạnh tranh rất khốc liệt. Vì thế phải lên kế hoạch trung hạn, dài hạn, tìm nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu phân công từng ngành, từng doanh nghiệp lo từng việc một, liên tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện để du khách không chán mắt. Làm được như thế mới mong giữ chân du khách nhiều ngày, mới mong du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Trong Hội thảo "Hiến kế để Đà Nẵng trở thành "thành phố đáng sống" ở châu Á", nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn thiếu trung tâm giải trí về đêm, thiếu không gian cây xanh, trung tâm tài chính... để giữ chân du khách. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ khẳng định ý tưởng đó rất hay nhưng quan trọng là làm thế nào để biến thành hiện thực, nhằm xây dựng TP Đà Nẵng có bản sắc. Thành phố sẽ tiếp thu những ý tưởng như phát triển đô thị nước, hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hàn, giải pháp giao thông thông minh hay xây dựng khu vui chơi giải trí về đêm... Những việc gì vượt thẩm quyền của Đà Nẵng, thành phố sẽ kiến nghị lên trên để phát triển với mục tiêu trở thành thành phố đáng sống.

Với sức sống mạnh mẽ của một thành phố năng động, có thể tin tưởng Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố trung tâm du lịch của miền trung và cả nước.