“Trồng người” tháng giêng hai

Tháng giêng hai, trên những rẻo cao của miền địa đầu Tổ quốc, đâu đâu người dân cũng lên nương làm ruộng, trồng cấy… Theo tập tục của bà con từng vùng, đây cũng là thời điểm quan trọng để vun đắp cho người trẻ trưởng thành đúng theo nghĩa “lớn thêm một tuổi”.

Rơi Mà Đài, phần nghi thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải.
Rơi Mà Đài, phần nghi thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải.

Những đứa trẻ… “vượt cạn”

Khi bảy vòng vải, dây rừng mở ra cậu bé - chàng trai, thiêm thiếp ở tư thế nằm trong bào thai, mặt hơi tái, bình thản, huyết tụ vào tâm. Một hành trình tự ngộ, tái sinh để trở thành người trưởng thành vừa được hoàn tất.

“Trồng người” tháng giêng hai ảnh 1

Những đứa trẻ trai ở bản Sín Chải, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm trong buồng tối chờ lễ Tủ Cải.

“Nhịn đói nằm nghiêng, kiêng đủ thứ…” là điều kiện bắt buộc trong hành trình dài chín ngày mà những đứa bé trai người Dao đầu bằng phải thực hiện nghiêm ngặt để tự vượt qua chính mình trong lễ Tủ Cải, một nghi lễ để đứa trẻ trở thành một con người mới, người đàn ông đích thực của cộng đồng. Mỗi ngày trong hành trình đó, các cậu bé hầu như chỉ nằm nghiêng trong buồng kín, hoặc treo mình trên xà nhà, tuyệt đối kiêng ánh sáng mặt trời, tuyệt đối kiêng sát sinh từ con sâu, cái kiến thậm chí đến ngọn cỏ. Tất cả những việc ấy những đứa trẻ tự làm để dọn mình chuẩn bị cho sự sinh hạ lần thứ hai của chính mình: Đón nhận ba phần hồn để thật sự làm người - ba phần hồn mà các bé trai chưa có khi sinh ra. Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng tái hiện việc hoài thai, sinh hạ một con người. Mỗi đứa trẻ có thêm ba người cha mới, ba người thầy cúng đã đưa ba phần hồn vào đứa trẻ, một cái tên mới, cái tên này để “trò chuyện” với tổ tiên và thần linh. Cùng với việc chủ động tiếp nhận “phần hồn” cho bản thân, những đứa trẻ cũng chủ động tiếp nhận truyền thống, đạo lý làm người của cộng đồng, thật sự trưởng thành sau lễ Tủ Cải. Kỳ lễ kết thúc với việc đứa trẻ tự rơi từ Mà Đài cao xuống đất như chứng minh sự thành thục của mình trước trời đất để “chín” mà “rơi” xuống. Dưới Mà Đài, những người đàn ông trưởng thành sẽ đón nhận người đàn ông mới này với bảy lớp vải và dây rừng, cuộn lại như “bào” giữ cái “thai” của một người đàn ông đầy đủ hồn và vía.

Trưởng thành cùng lửa

Mất mấy cái Tết, có năm phải lên đường từ trưa ngày 30 Tết, tôi mới được chứng kiến lễ tắm than hay còn gọi là lễ Pút Tồng, Nùng Sin của người Dao đỏ và người Sán Chay ở Cao Bằng và Bắc Kạn. Lễ chỉ dành cho những người đàn ông trưởng thành muốn tiến sâu hơn trong chặng đường tìm hiểu đời sống tâm linh của bản thân và cộng đồng.

“Trồng người” tháng giêng hai ảnh 2

Tắm than của người Dao ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Chuẩn bị cho lễ, những người đàn ông ấy phải “dọn mình” thật sạch sẽ nhiều lần bằng nước, hương thơm… trước khi bước vào vòng “tắm than”. Bên đống than hồng, họ sẽ ngồi kiên nhẫn, lòng hướng về thần linh, chờ đợi mình sẽ được “chọn”. Người được “lựa chọn” bất thần lao mình vô thức vào đống lửa, dùng than nóng để “tắm”, gột rửa mình để tiếp xúc với thế giới tâm linh. Lửa, theo quan niệm của người Dao đỏ và người Sán Chay, vốn của trời, loài người trộm xuống rồi cùng với các hành khác nhất là nước tạo dựng nên cuộc sống. Đặc biệt trong chu trình hủy diệt và tái tạo thế giới, vạn vật. Nước có thể “rửa” mọi thứ nhưng không “rửa” được khí, chỉ có lửa mới làm được việc đó. Những “khí” sân si, tham lam, giả dối có trong con người, lửa mới rửa được cho sạch để dọn mình thật sự thanh khiết, đón năm mới, đón nhận những hiểu biết sâu sắc hơn về con người và thế giới.

Lạc vào Gạ Ma Thú

Phải may mắn lắm, tôi mới được “lạc” vào lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Gọi “lạc” cho vui bởi người Hà Nhì có tục cấm bản trong suốt ba ngày kỳ lễ Gạ Ma Thú, ai đi vào địa phận bản sẽ bị giữ lại. Nhóm của tôi có gần mười người, đã được đưa về nhà văn hóa thôn gặp trưởng bản Chu Thanh Xe. Chúng tôi được mời vào giữa, bao quanh là vòng tròn mấy chục người bản địa. Từng người chúng tôi lần lượt được ông trưởng bản “chia” về các nhà. Mỗi lần xướng tên người được chia là lại nghe thấy tiếng “ồ” lên như hơi ghen tị, rồi tiếng reo của người chủ nhà, người đàn ông tách khỏi đám đông chạy lên nắm lấy tay vị khách được phân về nhà mình. Ngay lập tức, bốn năm người khác chờ sẵn từ bên ngoài ùa vào cùng “túm” lấy vị khách. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là biểu cảm trên khuôn mặt họ - sự hoan hỉ như thể được nhận phần thưởng rất lớn. Tôi được phân về nhà anh Lỳ Xá Po, mà không hề biết trước mình sẽ có ba ngày được chăm sóc như khách quý.

Gạ Ma Thú có lẽ là lễ lớn nhất của người Hà Nhì cúng trời đất, sông núi, cam kết giữ rừng, giữ nguồn nước, cầu sự bình an, đoàn kết cho cộng đồng. Người Hà Nhì sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng mọi sự khác biệt. Với thần linh (ma) có ma tốt, ma xấu, như trong cuộc sống con người cũng có người tốt - xấu vậy. Họ không xua đuổi, cố tránh ma xấu mà cúng cả ma xấu. Ma xấu được cúng trước “cho nó ăn no, nó đi chơi rồi mình cúng ma tốt, cúng ông bà tổ tiên, nó không phá nữa”. Về ma xấu, ông thầy cúng giải thích thêm với chúng tôi “nó không thích mình thì nó gây khó, mình cũng không thích nó nhưng không gây khó cho nó, cư xử tử tế với nó để nó đừng ghét thêm mình”. Từ lễ cúng toát lên sự yêu chuộng an bình của cộng đồng người Hà Nhì. Chủ nhà của tôi, anh Po bảo: “Người Hà Nhì coi khách quý hơn của cải, được đón khách, nhất là trong những dịp lễ như Gạ Ma Thú này chính là phần thưởng lớn”. Tôi đã hiểu niềm vui của mọi người khi được “giữ” chúng tôi trong những ngày cấm bản.

Buổi chia tay thật xúc động, vợ anh Po rơm rớm nước mắt, giúi vào tay tôi túi quà: xôi, bánh ngô, lạc… Thằng con trai ôm lấy lưng “năm sau bác lại đến nhà cháu nhé”. Trên con đường dọc bản, nhà nào cũng mở cửa, hình như ai cũng chuẩn bị sẵn để chào chúng tôi: À ma pi po (đi mạnh khỏe) cùng những bàn tay vẫy. Ba ngày thật lạ, như lạc vào một câu chuyện cổ tích về lòng mến khách nơi cuối trời Tây Bắc, thành một kỷ niệm không thể quên trong đời.