Trải nghiệm "Sừng trời"

Người dân tộc Thái đặt tên cung đèo hùng vĩ và hiểm trở bậc nhất vùng Tây Bắc là Khau Phạ, nghĩa là Sừng trời. Sừng trời có độ dài hơn 40 km, vắt qua những dãy núi non trùng điệp, có độ cao trung bình từ 1.200 đến 1.500 m, nối thị trấn Mù Cang Chải với thung lũng lúa Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái). Khám phá cung đường được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo", du khách được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, từ bình lặng cảm nhận tới mạo hiểm, phiêu lưu.

Trải nghiệm "Sừng trời"

Chinh phục cung đường này là được chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Nậm Có…, được "mãn nhãn" trước bao la rừng xanh, núi thẳm, những thung lũng ruộng bậc thang đẹp nhất vùng Tây Bắc, nơi được công nhận Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang.

Theo tiếng Mông, Mù Cang Chải nghĩa là "làng cây khô". Ðể thích nghi và sinh tồn ở "làng cây khô", không thể biết tự thuở nào, người dân đã sáng tạo hình thức canh tác trên sườn núi dốc, để lại cho hậu thế bức tranh ruộng bậc thang vô cùng độc đáo. Những đứa trẻ ở đây hồn nhiên lớn giữa non cao với những trò chơi con trẻ kiểu mang cần đi câu ve, ngồi trên những chiếc xe bánh đẩy tự chế bằng tre, gỗ, hay nhặt sỏi thi nhau ném qua khe suối… Nụ cười luôn bừng sáng những gương mặt lem luốc khi khách đến cho quà.

Dưới chân đèo Khau Phạ, về phía Tú Lệ, bản Lìm Mông, Lìm Thái, xã Cao Phạ là sự đối lập và hòa quyện về tập quán giữa hai dân tộc Thái và Mông. Bản Lìm Thái nằm ở chân núi, lác đác xen giữa cánh đồng là những ngôi nhà sàn truyền thống.

Khám phá nhà sàn của người dân tộc Thái cũng cho du khách nhiều điều thú vị. Ðến đây vào mùa lúa non, được tận mắt xem phụ nữ Thái làm cốm là trải nghiệm không nên bỏ qua. Tất cả các công đoạn được làm thủ công. Cối giã cốm được thiết kế giống như cối giã gạo của người dưới xuôi trước kia. Người giã và người đảo cốm phối hợp rất nhịp nhàng, để cốm tách vỏ đều và không bị nát. Cốm Tú Lệ dẻo mềm, thơm ngọt và có mầu xanh đặc trưng là sản phẩm nổi tiếng, đặc sản của vùng, được du khách nhớ mãi khi đã một lần nếm thử.

Ði qua bản Lìm Thái, theo con đường nhỏ leo dần lên dốc cao là tới bản Lìm Mông, bản của 100% người dân tộc Mông trên đỉnh núi. Con đường dốc ngược ấy trước đây là đường đất, mùa mưa trơn trượt, đất xoáy bánh xe, nay đã được trải bê-tông nhưng độ nguy hiểm vẫn luôn là thử thách ngay cả với các tay lái cừ khôi, bởi các cung đường nhỏ và liên tục cua gấp. Lên tới bản là lên tới đỉnh rồi. Ðứng trên mỏm núi cao có thể bao quát được khung cảnh toàn thung lũng ruộng bậc thang. Nơi đây mùa nào cũng đẹp, từ lúc đổ nước tới khi lúa xanh. Và tôi chắc với bạn một điều, sẽ chẳng ai thờ ơ được trước mùa vàng Mù Cang Chải.

Nhưng đến nơi đây là đến với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn lũ quét. Dư chấn vẫn để lại trên vùng đất tan hoang và phảng phất trong ánh nhìn của người dân bản. Ðến để cảm nhận, sẻ chia và chung tay với toàn xã hội vực dần mất mát, chia bớt khó khăn với dân bản khi mùa mưa dữ lại về.