Tiếng gà trưa nơi ngã ba biên giới

Sông Ðắk Bla mùa này cạn nước, nhưng nó lại có sức hấp dẫn ở đường cong uốn lượn qua thành phố trẻ Kon Tum. Ðứng bên bờ bắc nhìn về bờ nam thấy cảnh vật thay đổi nhiều so với trước. Cánh đồng mía xưa kia giờ thay bằng những khu dân cư mới, nhà cửa dựng lên san sát. Ðô thị mới Kon Tum đang vươn mình mạnh mẽ bên dòng Ðắk Bla.

Di tích chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, điểm dừng chân trên đường đến ngã ba biên giới.
Di tích chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, điểm dừng chân trên đường đến ngã ba biên giới.

Từ đây, quốc lộ 14 (thường được gọi là đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) chạy về phía tây bắc qua Ðắk Hà, Ðắk Tô - Tân Cảnh gắn với những địa danh đi vào sử sách, mang dấu ấn của một thời oanh liệt. Ngay trung tâm thị trấn Ðắk Tô, hai chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377 và 472 vẫn giương nòng ngạo nghễ giữa đất trời Tây Nguyên. Tất cả gợi lên trong lòng lữ khách ký ức về những trận đánh ác liệt và hào hùng ở mặt trận bắc Tây Nguyên những năm 1967 - 1972. Có đi qua miền đất lịch sử này mới thấy những giây phút hòa bình hôm nay đã phải trả bằng máu và sự hy sinh của thế hệ cha ông. Những người trẻ hôm nay có dịp đi qua miền đất này hẳn sẽ thấm thía hơn về những năm tháng khói lửa chiến tranh.

Vượt chặng đường hơn 70 km đến ngã ba Ngọc Hồi, rồi từ đây rẽ trái theo QL 40 khoảng 10 cây số nữa là đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ðây là cửa khẩu lớn, thông thương với nước bạn Lào. Muốn qua biên giới Lào bằng phương tiện cá nhân thì trước khi khởi hành phải hoàn tất thủ tục xin cấp phép tự lái xe ô-tô sang Lào (giấy phép liên vận) và không quên mang theo cuốn hộ chiếu của mình. Lái xe men theo con đèo dốc lên suốt chừng năm cây số nữa về phía tây nam sẽ đến cột mốc ngã ba biên giới, nhiều người vẫn thường gọi đó là "cột mốc ba biên". Ðường lên cột mốc ba biên mùa này tuyệt đẹp. Hai bên lau lách nở bung, đứng trên đỉnh cao nhìn xuống lòng người nơi biên ải không khỏi xốn xang...

Trước khi rẽ lên cột mốc, dừng xe ít phút ở đỉnh đồi bên tay trái ngắm mây trời, hít thở gió núi và viếng các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Hành trình lên cột mốc còn phải đi tiếp thêm hơn một cây số đường đèo dốc. Lái xe qua con đường đầy lau lách không lâu thì tấm biển chỉ dẫn cột mốc ngã ba biên giới hiện ra trước mắt. Từ đây, bước lên 120 bậc là đến đỉnh Ðồi Tròn, điểm cao 1.068 m. Cột mốc biên giới ba tỉnh Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Cam-pu-chia) được dựng lên vững chãi trên đỉnh Ðồi Tròn. Ðứng trên đỉnh đồi nhìn về phía đông là lãnh thổ của Việt Nam, phía tây bắc là lãnh thổ của Lào và phía tây nam là phần lãnh thổ Cam-pu-chia. Từ trên đỉnh đồi cũng có đường bậc thang đi xuống dẫn qua phần lãnh thổ của hai nước bạn.

Chừng 12 giờ trưa đứng trên đỉnh đồi chỉ có gió và nắng vàng. Những cây xanh mới trồng cũng đang đâm chồi, nảy lộc, đón xuân mới. Bất chợt, một tiếng gà rừng gáy trưa vọng lại từ phía ngọn đồi xa hướng đông bắc như muốn nhắc nhở ai đó nhớ về bữa cơm quê nhà.