“Thị trấn hộp diêm” và hành trình hạnh phúc

Cái tên Dran bật lên trong tâm trí chúng tôi khi lên kế hoạch hành trình cho một chuyến khởi hành Đà Lạt, khi mà mọi điểm đến trong bán kính 50 km quanh đô thị quyến rũ đó đều đã từng đặt chân tới. Để rồi, thị trấn nhỏ hiền hòa ngay đầu con đèo Ngoạn Mục ấy đã lưu lại trong tâm trí mỗi chúng tôi những dấu ấn khó phai, theo một cách rất riêng của mình.

Nhìn từ đèo Dran, thị trấn yên bình bên hồ thủy điện Đa Nhim xanh mát.
Nhìn từ đèo Dran, thị trấn yên bình bên hồ thủy điện Đa Nhim xanh mát.

Nằm giữa hai con đèo nổi tiếng là Ngoạn Mục (Sông Pha) và Dran, thị trấn cổ vẫn mang cái tên do người Pháp đặt ấy mang đến cảm giác yên bình cho bất cứ ai khi đặt chân tới, bởi những dãy nhà thấp chỉ khoảng hai tầng, xen kẽ giữa những ngôi nhà xây mới và những ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Những làn gió lành lạnh và những đám mây bất chợt sà xuống nơi đầu con phố chính làm cho cảnh vật có phần hư ảo, hoài cổ và lãng mạn. 

“Thị trấn hộp diêm” và hành trình hạnh phúc -0
 

Nhỏ, tĩnh và yên bình, vậy nên, chỉ cần ở lại Dran một tối, bạn sẽ có cảm nhận, dường như tất cả những người dân ở đó đều quen biết nhau. Mà kể cả khi họ đã nhận ra bạn là khách lạ, thì nụ cười thường trực và ánh nhìn thân thiện sẽ khiến bạn nhanh chóng tự gạt bỏ khoảng cách, và chân thành đón nhận niềm vui.

Thị trấn nhỏ thật giống như một cái hộp diêm xinh xắn, lưu giữ trong mình những que diêm nhỏ có thể làm cháy lên những xúc cảm trong trẻo và lãng mạn, đằm thắm tưởng đã chìm lấp, ẩn sâu trong mỗi trái tim.

Không quá chú tâm vào năng suất, sản lượng, người ở Dran đã chọn cho mình những phương thức canh tác nông nghiệp độc đáo để tạo nên những dòng sản phẩm thấm đẫm sương, gió và khí trời, khi mà ở những vùng nông nghiệp lớn của đất nước, khái niệm nông nghiệp hợp sinh thái mới bắt đầu được biết đến, và vẫn là lựa chọn chứa đựng những băn khoăn với nhiều người. Nếu đến Dran vào mùa thu hoạch, bạn có thể được trải nghiệm cảm giác hái lượm những quả hồng, quýt, chanh dây chín mọng…

Ở Dran có một người mà hầu như tất cả các nhà thơ trong cả nước, nếu có dịp ghé thăm nơi này, đều tìm gặp. Chị cũng là “địa chỉ đỏ” với nhiều nhà báo, khi muốn lần tìm, khảo cứu về một thời quá vãng của thị trấn nhỏ thâm trầm này - nhà thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh. Giàu xúc cảm, sâu sắc, nên... hoài cổ, người phụ nữ có số phận đặc biệt ấy tự nhận mình là chứng nhân, “là người sẽ ôm giữ những gì người Dran đi xa và bỏ lại...”. Biết tôi lần đầu đặt chân đến, chị chia sẻ: Không có nhiều điểm du lịch, nhưng Dran còn lưu dấu tích của nhiều công trình lịch sử như cầu sắt Dran, nhà ga tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt, đình Càn  Rang nơi lưu bút tích của Vua Duy Tân… và hồ thủy điện Đa Nhim, thường được ví như “hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên - nguồn cảm hứng của nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên ở Lâm Đồng. 

Nhắc đến Dran, mọi người hay gắn với cụm từ “hoài cổ”. Nhưng, đã đến, trải nghiệm, lắng nghe và khám phá, tôi chợt nhận ra rằng, những gì đang có ở Dran, thật ra, vẫn là nhịp sống đầy hiện đại, chỉ có điều, nó được biểu hiện dưới một dạng thức khác, thậm chí, có những nét thú vị hơn nhiều những đô thị tôi đã từng qua. 

Nếu bạn đang trên hành trình trải nghiệm, kiếm tìm một khái niệm về hạnh phúc, hãy thử đến Dran.