Ngược sông Đà về với Ka Lăng

Mường Tè là huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Lai Châu, vô cùng thiếu thốn, đất đai cằn cỗi, đi lại khó khăn. Thế nhưng, đó lại chính là điểm hấp dẫn dân phượt, khi con đường biên giới Ka Lăng - Thu Lũm tìm về thượng nguồn sông Đà cứ xanh ngắt mầu trời, mầu cây lá và những thửa ruộng thấp thoáng miền cao.

Ngược sông Đà về với Ka Lăng

Ka Lăng ngút ngàn xa với núi, với rừng, với những cung đường chênh vênh bám vào sườn núi, uốn lượn theo dòng sông Đà, hay dòng Nậm Na, Nậm Mu như một dải lụa mềm. Tháng 9, tháng 10 tới Ka Lăng có thể thấy những ngôi nhà gỗ nhỏ nhấp nhô trên sườn núi, được bao bọc trong biển mây, những cánh đồng lúa chín vàng như nắng và những phụ nữ người Hà Nhì, La Hủ… thấp thoáng bóng bên ô cửa. Ka Lăng đẹp hoang sơ và mộc mạc như thế! Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người thích săn mây tới Ka Lăng. Bởi chỉ cần giơ máy lên, mây sẽ xuất hiện trong bất cứ khung hình nào, lơ lửng như gần như xa. Mùa lúa chín ở đây không thua kém cảnh sắc Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì hay Y Tý, Sa Pa…
Có ngày tôi thức giấc trong trường tiểu học số 1 Ka Lăng, khi tiếng trống trường đầu tiên bắt đầu điểm. Các em tới lớp cả những ngày cuối tuần, vành ô nghiêng trong gió sương và mây mù. Vùng biên giới này mưa nhiều, mưa to vào sáng sớm. Mỗi khi trời mưa, không khí lạnh buốt. Vốc nước lên rửa mặt, nước lạnh đông cứng. Hỏi mấy em học sinh ở đây: Lạnh như thế này tối tắm thế nào? Chỉ nhận được câu trả lời nhẹ tênh: “Tụi con đã quen”.
Mưa là thế nhưng trời chiều muộn nắng sẽ lên. Nắng chiếu xiên qua những chiếc lốp lăn tròn trên mặt đường. Những đứa trẻ ở Ka Lăng có một trò chơi phổ biến: trò lăn lốp xe bằng gậy. Trên con dốc cao giữa núi rừng, các em thi nhau lăn tròn lốp điệu nghệ rồi cười giòn tan. Đó là những buổi chiều biên giới đẹp nhất.

Ở Ka Lăng có người Hà Nhì và người La Hủ sinh sống. Mặc dù cho tới bây giờ, bữa ăn của nhiều gia đình người dân nơi đây củ rừng vẫn nhiều hơn hạt gạo, hạt ngô, nhưng cuộc sống của họ vẫn đầy màu sắc với nhiều nét văn hóa độc đáo được lưu truyền từ đời này sang đời khác: tục cưới xin, lễ hội Gạ Ma Thú hay là lễ ăn tết mùa mưa… Lễ tết nhộn nhịp nhất ở Ka Lăng phải kể tới lễ Gạ Ma Thú hay còn gọi là Lễ Cấm bản của người Hà Nhì. Lễ hội tưng bừng với những vò rượu ngô nếp thơm lừng, những mẹt cơm nếp đồ, bánh dầy được mang ra thiết khách. Người dân ở đây luôn rộng cửa đón bạn, vào cùng ăn một bữa cơm thơm.

Hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở Ka Lăng là cảnh những cô gái Hà Nhì, La Hủ ngồi thêu bên khung cửa. Mầu đỏ rực của sợi chỉ len nhiều mầu làm xua đi lạnh giá của vùng biên giới mỗi khi trời đổ mưa. Họ gửi ý nguyện và tâm tình của người con gái lên từng đường kim, mũi chỉ, để chờ dịp lễ tết mang ra diện.

Tới Ka Lăng để thấy vạt nắng trên con đường khúc khuỷu, những thửa ruộng bậc thang đẹp như trong câu hát, thấy ánh mắt tinh nghịch của những đứa trẻ mặt nhem nhuốc cười. Lên đường để thấy dáng hình Tổ quốc, thấy những mảnh ghép cuộc sống vùng cao và tình người ấm áp vẫn chứa chan trên dải biên địa hoang sơ và mộc mạc này.