Miệt vườn… ngọt

Đã trót mê mẩn nét duyên của những vùng quê sông nước Cửu Long, nên mỗi khi có dịp vào miền nam công tác là tôi tìm bạn đồng hành và tranh thủ lên đường ngay. Lần này chúng tôi về với cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), hay còn có tên gọi là cồn Lân, thuộc hệ thống bốn cù lao “tứ linh”: Long, Lân, Quy, Phụng, được ví như những viên ngọc quý của dòng sông Tiền mênh mang, trù phú.

Miệt vườn… ngọt

Nghe nói trước đây du khách muốn đến cù lao Thới Sơn chỉ có duy nhất đường thủy, thì nay đã có đường bộ đưa về tận nơi, chỉ khoảng 80 km từ TP Hồ Chí Minh. Qua cây cầu Rạch Miễu nổi tiếng, chớ quên ngắm nhìn bởi đây là chiếc cầu treo lớn nhất, lần đầu do Việt Nam tự thiết kế và xây dựng, nối liền hai bờ Mỹ Tho và Bến Tre. Qua cầu Rạch Miễu là tới khu vực Thới Sơn, nếu muốn thử cảm giác mới lạ, bạn có thể thuê xe ngựa men theo con đường nhỏ rợp bóng cây, ghé thăm những trại ong, xưởng trà của người dân trong thôn, thế nào cũng được mời thưởng thức trà thơm lừng, mật ong ngọt lịm của vườn nhà.

Và sau đó, hãy tiếp tục cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của cù lao Thới Sơn trên chiếc xuồng len lỏi qua từng dòng kênh, dưới những tán dừa, thủy liễu nghiêng nghiêng thấp thoáng lướt qua nền trời xanh mây trắng trên đầu. Cù lao Thới Sơn có diện tích khoảng hơn 1.200 ha, trong đó một nửa là trồng cây ăn trái. Là nguồn cung cấp hoa quả cho nhiều chợ đầu mối tỉnh Tiền Giang, hoa quả ở đây vô cùng phong phú: chôm chôm, vú sữa, mãng cầu, nhãn, mận (quả doi), thơm (quả dứa), thanh long… Xa xưa, chỉ có thương lái tìm về đây để trao đổi, mua bán, nhưng từ khoảng những năm 1990, nơi đây bắt đầu phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, những người yêu thiên nhiên, thích khám phá văn hóa miệt vườn.

Nói chuyến đi về Thới Sơn đậm hương vị ngọt ngào cũng chẳng sai, bởi ấn tượng về hầu hết những “đặc sản” ở đây là vị ngọt. Ngọt từ những lò kẹo nằm ẩn mình giữa những rặng dừa hai bên bờ sông, nơi du khách tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất kẹo dừa truyền thống, thưởng thức các vị kẹo dẻo quánh, ngọt lừ và tha hồ mua làm quà các sản phẩm khác làm từ trái dừa như: dầu dừa, son dưỡng, xà phòng, đũa dừa, bát vỏ dừa… Ngọt từ giọng hát đờn ca tài tử luyến láy đầy xúc cảm của những đội văn nghệ “bán chuyên” phục vụ du khách trong những chòi lá nghỉ chân ven đường. Đến đây, khách ngồi nhâm nhi ly trà, ăn các loại trái cây Nam Bộ ngọt mát trong không gian của các làn điệu dân ca đã giúp hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn phóng khoáng, hào sảng của người miệt vườn sông nước. Các ban nhạc đờn ca tài tử chủ yếu là nông dân, ngư dân địa phương, bên cạnh nghề chính thì khi có thời gian rảnh là họ luôn sẵn sàng phục vụ văn nghệ, giúp cho du khách gần xa thêm hiểu và yêu quê hương mình…

Nếu có hơn một ngày, nhiều du khách còn chọn trải nghiệm ở lại các homestay nhà vườn, tham gia tát mương, bắt cá bằng tay, vào vườn thu hoạch trái cây… như dân quê thực sự. Không khó hiểu vì sao ngày càng nhiều người dành thời gian tìm về với cù lao xanh giản dị chân chất này, để làm tươi mới lại tâm hồn sau những ồn ào bụi bặm phố thị.