Lô xô mái gỗ pơ mu

Được ví như Đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa của Tây Bắc, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái, người Mông, người La Ha cùng những tiềm năng du lịch mà nhiều người chưa biết tới.

Lô xô mái gỗ pơ mu

Con đường từ thị trấn Ít Ong vào tới Ngọc Chiến uốn lượn qua đèo Sam Síp không quá dài, khoảng hơn 30 km nhưng không phải là con đường dễ đi. Nhất là sau trận lũ quét hồi cuối năm ngoái khiến một phần con đường độc đạo vào xã đã bị xóa sổ hoàn toàn. Vượt qua thử thách đường sá, bạn sẽ được đền đáp khi tới một thung lũng xanh tươi, bản làng hiền hòa, và đặc biệt được chiêm ngưỡng hàng trăm mái nhà sàn nguyên bản bằng nguyên liệu gỗ pơ mu.

Nằm trên độ cao trung bình 1.600 m so mực nước biển, Ngọc Chiến được ưu đãi bởi thiên nhiên, khí hậu ôn hòa với bốn mùa trong ngày, quanh năm dễ chịu. Nguồn nước khoáng nóng mang lại cho phụ nữ nơi đây làn da khỏe mạnh, trắng ngần. Người Thái ở Ngọc Chiến vẫn bảo tồn thói quen tắm mó nước, một nét đẹp văn hóa được gìn giữ nhiều đời, biểu hiện sự trong sáng và thuần khiết mang tính cộng đồng của người dân bản địa.

Nằm giữa bản Lướt và bản Nà Tâu là cánh đồng thẳng cánh cò bay, bao quanh bởi núi non chất ngất với bản làng nhấp nhô trên sườn núi. Cảnh quan vừa lãng mạn, vừa hoang sơ hấp dẫn du khách. Cánh đồng trồng lúa xưa nay đã được trồng các loại hoa đủ sắc màu, tô thêm vẻ đẹp tự nhiên cho bức tranh sơn thủy. Khí hậu ưu đãi khiến Ngọc Chiến mùa nào cũng rực rỡ hoa, hoa đào, hoa mận, hoa dại nở cùng đường. Nhưng ít ai biết rằng, thổ nhưỡng phù hợp nên Ngọc Chiến đang trở thành “vương quốc” của cây sơn tra (táo mèo). Ngoài giá trị kinh tế từ quả sơn tra mang lại thì hoa táo mèo cũng là “đặc sản” của vùng. Vào độ trung tuần tháng ba, tháng tư, hàng trăm ha táo mèo ở Ngọc Chiến đua nhau nở trắng trên những sườn núi dốc. May mắn đến đúng dịp, du khách sẽ thỏa thích ngắm nghía, tạo dáng chụp ảnh giữa cả rừng hoa cùng váy áo sặc sỡ của người dân bản.

Nhưng có lẽ, với riêng tôi, ấn tượng nhất ở Ngọc Chiến vẫn là những mái nhà sàn lợp gỗ pơ mu. Nhìn từ xa, những mái gỗ thâm nâu qua năm tháng nhấp nhô trên sườn núi như những nốt trầm trong bức tranh thiên nhiên không nhiều màu sắc. Sự tĩnh lặng của không gian nơi đây càng cho cảm giác con người hòa cùng thiên nhiên hoang sơ, thú vị nhường nào. Hàng trăm mái gỗ một màu có từ cả trăm năm, tập trung nhiều ở bản Nà Tâu, bản Lướt, bản Phày… Người dân ở đây vẫn bảo tồn gần nguyên vẹn những ngôi nhà sàn hoàn toàn bằng gỗ như một cách lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của người Thái qua thời gian. Những mái gỗ pơ mu được xếp rất khéo, lô xô mà khi mưa không bị dột. Người Thái xẻ gỗ pơ mu không sử dụng cưa, mà dùng nêm đóng, tách thành từng lớp ván mỏng, theo thớ gỗ. Nét đặc biệt của nhà sàn người Thái ở Ngọc Chiến còn là ở cách trang trí hoa văn trên đầu đón, đầu xà, kèo cột, đến bậu cửa, con tiện hành lang đều rất cầu kỳ, với cách tạo hình riêng có. Và ở trong những ngôi nhà ấy, vẫn có một gian bếp lửa, như biểu tượng của sự kết nối ấm cúng giữa các thành viên trong gia đình.

Ở Ngọc Chiến còn có hang động, dấu tích lịch sử, có thủy điện Nậm Chiến và những điệu múa xòe. Đến Ngọc Chiến để thưởng thức những món cơm xôi từ đặc sản nếp tan, loại gạo nếp chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, trong dẻo đến hạt cuối cùng. Đến nơi này để nghe kể về phụ nữ nơi đây khéo léo, đảm đang, ai cũng biết se tơ dệt vải, tự may đan áo váy, gối chăn khi đến tuổi lấy chồng.

Đường đến nơi này vẫn còn rất khó khăn nhưng đừng vội nản, nếu hình dung bạn được dậy sớm ở một nơi trong lành, ngâm mình trong dòng khoáng nóng, rồi tự tay nấu bữa sáng, pha ấm trà hay tách cà-phê nóng hổi trong bốn bề mây giăng đỉnh núi. Đó thật sự là trải nghiệm không thể bỏ qua. Nếu bạn có cùng sở thích ấy, thì hãy đi nào - Ngọc Chiến cũng chẳng quá xa…