Leo Chư Đăng Ya ngắm sắc dong riềng

Tây Nguyên đang vào cuối mùa mưa, cũng là lúc núi lửa Chư Đăng Ya ở Kon Tum như thức dậy một lần nữa bởi sắc đỏ thắm của hoa dong riềng.

Leo Chư Đăng Ya ngắm sắc dong riềng

Thật may mắn khi lần trở lại Tây Nguyên này của tôi lại đúng mùa dong riềng bung nở trên khắp triền đồi. Không bỏ lỡ tiết trời chuyển ấm sau nhiều ngày mưa dầm, một chuyến leo núi Chư Ðăng Ya trong ngày được tôi và người bạn đồng nghiệp nhanh chóng chuẩn bị ngay khi vừa đáp chuyến bay xuống TP Plây Cu (Gia Lai). Trong tiếng Gia Rai, Chư Ðăng Ya mang nghĩa củ gừng dại. Ngọn núi nằm cách TP Plây Cu khoảng 30 km về hướng đông bắc, thuộc địa phận làng Ia Gri, xã Chư Ðăng Ya, huyện Chư Păh.

Ðường đi vào xã băng qua những cánh đồng lúa bát ngát. Trên các thửa ruộng loang loáng nước, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những nông dân đang khom lưng cấy lúa bằng tay, hàng theo hàng, đều tăm tắp. Khung cảnh vùng quê thanh bình thi thoảng bị xao động bởi tiếng vỗ cánh của đàn cò trắng. Cảnh sắc mê hoặc các vị khách thị thành tiếp tục trải ra trên con đường khám phá Chư Ðăng Ya. Gần đến chân núi, những mái nhà lấp ló trong sắc đỏ của hoa dong riềng cũng dần hiện ra hai bên đường.

Gửi xe ở nhà một người dân Gia Rai trong thôn, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ.

Dong riềng được xem là loại cây trồng chủ đạo ở vùng đất bazan vì chịu được khô hạn. Kon Tum cũng là một trong những địa phương hiếm hoi trên cả nước có thổ nhưỡng hợp với loại cây dài ngày này. Sắc đỏ của loài hoa nhuộm khắp chân núi, rồi trải dài miên man tới miệng núi lửa. Xen kẽ với sắc đỏ là mầu xanh của luống ngô, khoai, bí đỏ.

Chuyến đi càng thú vị hơn khi chúng tôi được trò chuyện cùng những nông dân đang trồng trọt trên ngọn núi. Họ kể cho những vị khách phương xa về cách canh tác loài cây. Dù không được tưới tiêu nhưng cây vẫn xanh tốt. Cả vụ, nông dân chỉ bón phân đúng ba lần trước khi cây trổ hoa. Hoa dong riềng sẽ tàn vào tháng 10. Ðó cũng là lúc củ đã tích lũy đủ tinh bột. Chư Ðăng Ya bước vào vụ mùa nhộn nhịp nhất năm. Xe công nông nối đuôi nhau vào chân núi chở những củ dong riềng vừa mới thu hoạch về nhà máy sản xuất dong miến.

Tiếp tục đi lên miệng núi lửa, băng qua những cây cổ thụ, đường đi càng khó, sườn dốc 45 độ, khúc khuỷu và lầy lội, dễ trơn trượt. Nhưng những cơn thở dốc vẫn không thôi làm chúng tôi hết háo hức trước thiên nhiên. Ðứng trên miệng núi lửa Chư Ðăng Ya, phong cảnh hiện ra quá đỗi yên bình, trong trẻo. Một cơn gió thổi qua, cả một rừng hoa đỏ thắm đong đưa theo gió. Mây sà xuống ngọn cây, lững thững bay trên ngọn núi đối diện. Mọi mệt nhọc dường như tan biến. Chúng tôi ngồi bệt xuống đất đỏ, ăn bữa trưa đã được chuẩn bị ở Plây Cu và thật lòng cảm thấy may mắn khi được một lần đến đây.