Khám phá Dương Long cổ tháp

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao khi lần đầu đặt chân đến vùng đất Bình Định đã ngỡ ngàng thốt lên:
 
 “Từ trời xanh 
 Rơi 
 Vài giọt tháp Chàm 
 Quanh Quy Nhơn 
 Tôi 
 Như đứa trẻ yêu huyền thoại”.
 

Khám phá Dương Long cổ tháp

Trong mắt người nghệ sĩ, những ngọn tháp Chàm như những dấu thăng vút lên từ đồi cao, những ngọn tháp luôn nhuốm màu bí ẩn, như những giọt sương rơi xuống từ trời xanh, ngót nghìn năm không chạm đất, mãi lửng lơ giữa không trung như một câu hỏi lớn dành cho hậu thế.
 
 Tháp Dương Long, một quần thể gồm ba ngọn tháp kỳ vĩ, xếp thẳng hàng trên đồi cao theo trục bắc-nam, thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sau này, Henri Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện tháp Dương Long là một công trình kiến trúc - điêu khắc Chăm Pa hoành tráng và lộng lẫy ở vùng Đông - Nam Á. Năm 2015, quần thể tháp Dương Long đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
 
 Tháp có nhiều tên gọi. Ngoài tên gọi là Dương Long, tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là tháp Ngà. Cụm tháp này được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 12, thời vua Chăm Pa Jaya Indravarman. Trải qua hàng thế kỷ, Dương Long luôn làm người ta háo hức mỗi khi khám phá, tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc, xây dựng và điêu khắc của tòa cổ tháp đầy bí ẩn này.
 
 Đây là cụm ba tháp bằng gạch cao nhất Đông - Nam Á hiện còn tồn tại, với chiều cao các tháp lần lượt là 32, 33 và 39 m. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ và nhiều dấu tích kiến trúc đã sụp đổ cho thấy nơi đây đã từng là một khu đền tháp lớn. Ba ngôi tháp hiện còn là những kiến trúc trung tâm, thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Brahma, Visnu và Shiva. Lần bước bên tháp xưa rêu phong cổ kính, du khách như lạc vào thế giới Chăm Pa xưa lung linh, huyền bí.
 
 Tháp Dương Long mang ảnh hưởng của kiến trúc Khmer đậm nét. Mỗi kiến trúc là một sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật Chăm Pa và Khmer. Nghệ thuật Chăm Pa thể hiện qua bình đồ chân tháp vuông, vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, cùng các đề tài trang trí truyền thống của Chăm Pa như mặt Kala, dải hoa văn hình bầu vú, hoa văn cánh sen... Các yếu tố ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Khmer thể hiện ở hình dáng thân tháp, kết hợp sử dụng đá trong kiến trúc gạch và các họa tiết trang trí như rắn Naga, chim thần Garuda. Bên cạnh đó, kiến trúc tháp Dương Long còn có sự ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt, được nhận thấy trên các hình điêu khắc thủy quái Makara, mang nhiều nét gần gũi với hình ảnh con rồng trong điêu khắc Đại Việt thời Lý - Trần. Theo nhiều chuyên gia khảo cổ, tháp Dương Long là một quần thể kiến trúc bề thế và đẹp nhất trong số các tháp Chăm Pa còn lại ở miền trung.
 
 Ngót nghìn năm đã trôi qua, kể từ khi những người thợ Chăm tài hoa đặt những phiến đá đầu tiên lên đỉnh đồi nơi trời đất gặp nhau, để dựng nên ngôi đền thiêng bái vọng thần linh. Gió, ngàn năm vẫn thổi. Mây, ngàn năm vẫn bay. Cỏ may như níu chân người, mong ở lại thêm chút nữa cùng buổi chiều hoang vu tháp cổ. Bỗng nhiên du khách chợt thấy mình như sững lại, biến hóa vào những phiến gạch xưa hoang phế. Ngước mắt lên cao, ba ngọn Kalan như ba đỉnh núi kỳ vĩ giữa trời.