Gò Tháp, mảnh ký ức đẫm hương sen

Nghỉ hè vừa rồi, tôi cùng hội bạn rủ nhau về quê thằng Út chơi vài ngày. Gửi lại xe máy ở thị xã, xuống “phượt” đường sông, chuyến đi đầy phấn khích ngay từ chặng đầu.

Gò Tháp, mảnh ký ức đẫm hương sen

Chiếc vỏ lãi vừa cập bờ thì thằng Út nhảy xuống, khoanh tay lễ phép “Dạ, bác Hai!”. Đáp lại là một tràng cười ha hả “rặt miền Tây”, của một người đàn ông tuổi chừng sáu mươi, da ngời lên mầu nắng: “Tụi bây dạ thưa làm chi không biết! Đi đường xa mệt rồi, xuống đây bác chặt mấy quài dừa nước cho uống, dừa nước mùa này ngọt lắm!”. Rồi chính bác Hai trở thành người hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi, thẳng tới khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp).

Bao la rừng tràm, bát ngát đầm sen, rợp trời những cánh chim liệng. Trong khung cảnh ấy, với chất giọng trầm đục nhưng ấm áp của mình, bác Hai dựng lại cả một dòng lịch sử hào hùng, bi tráng của vùng Gò Tháp này. Từ những trận kháng Tây quyết liệt của nghĩa quân Thiên Hộ Dương tới những chiến công thời chống Mỹ, cứu nước, từ niềm kiêu hãnh tới những giọt nước mắt chia ly ngày tập kết ra Bắc, thảy đều lấp lánh hồi sinh trong giọng kể của người chiến sĩ Giải phóng quân năm ấy.

Đi giữa đầm sen, bác Hai bỗng trầm ngâm rồi đột nhiên cao hứng ngân nga: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”… Rồi bác quay lại: “Tụi bây biết tác giả của hai câu ca dao này là ai không?”. Cả bọn chịu thua. Bác Hai cười khà khà: “Hai câu này là của nhà thơ Bảo Định Giang sáng tác, vào một buổi sáng sớm ngắm sen “tức cảnh sinh tình”. Ông đặt tên bài thơ là “Đẹp nhứt”, và còn hai câu nữa: “Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm”...

Thuận miệng, tôi hỏi luôn bác Hai về sự tích cái tên “Đồng Tháp Mười”. Bác Hai lại cười: Thật ra Đồng Tháp Mười không phải địa danh hành chính, mà là tên gọi của một vùng đất rộng lớn bao gồm địa phận của ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Trong dân gian lưu truyền nhiều sự tích, nhưng đối với bác Hai và phần lớn người dân vùng này thì sự tích ông Năm Linh (từ tên gọi Ngũ Linh Dương hay còn gọi Thiên Hộ Dương) cùng nghĩa quân hợp sức xây 10 tầng tháp canh để canh chừng giặc Pháp, rồi thành tên đất, là đáng tin nhất.

Vừa nghe bác Hai kể chuyện lịch sử, vừa ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, bọn choai choai tuổi ăn tuổi lớn chúng tôi quên cả cơn đói. Đến lúc tham quan hết khu di tích Gò Tháp thì đã quá trưa. Bác Hai lại cười rổn rảng, rủ chúng tôi về nhà: “Mùa nước nổi này thì quê tao tuy không có sơn hào hải vị, nhưng đặc sản Nam Bộ thì không thiếu thứ gì! Bảo đảm đủ để đãi no cái bụng của tụi bây!”. Lời mời như cây rựa chém vào thân tràm ấy, ai mà từ chối cho nổi?

Bữa cơm dọn vội hôm ấy có hai con gà mái mơ mập ú, mấy con cá lóc nướng trui, một nồi lẩu cá linh bông điên điển… Phong vị miền Tây như tụ cả về trong mâm cơm ấy. Cá linh đầu mùa lũ thịt béo và ngọt lắm, thật đúng như lời giới thiệu của cô em út trong nhà: “Bảo đảm không chê vào đâu được, các anh ăn một lần sẽ nhớ mãi!”.

Song, cái lòng hiếu khách, cái tình quý mến của người Gò Tháp còn ngọt ngào, đậm đà hơn gấp bội. Dung dị, mộc mạc mà khoáng đạt, trong lành, như hương sen mùa nước nổi ướp đẫm cả khoảng trời nước mênh mang…