Ðến điểm cuối Sơn Trà

Nói đến bán đảo Sơn Trà (Ðà Nẵng) thì có lẽ rất nhiều người đã biết và từng đến. Nơi đây được xem là “lá phổi xanh” của Ðà Nẵng nhờ khu bảo tồn thiên nhiên lưu giữ hệ động thực vật phong phú, đa dạng và với con đường uốn lượn quanh co dưới chân núi, khá nhiều địa danh nổi tiếng. Nhưng hành trình khám phá Sơn Trà không chỉ dừng lại ở đó.

Ðến điểm cuối Sơn Trà

Xuất phát từ sân bay quốc tế Ðà Nẵng, lái xe chừng khoảng 20 phút, chúng tôi đến chân núi Sơn Trà. Từ đây tiếp tục lái xe men theo con đường uốn lượn quanh co ven núi để tiến về phía đông của bán đảo. Một bên là biển cả mênh mông, một bên là núi cao sừng sững với những thảm cây xanh nhiều tầng dày đặc tạo nên cảnh sắc non nước đẹp diệu kỳ. Dừng chân tại một điểm cua tay áo, phóng tầm mắt nhìn về phía xa thấp thoáng hiện ra bức tranh đô thị biển Ðà Nẵng với những nét chấm phá đầy cuốn hút.

Xe tiếp tục lăn bánh qua những khúc cua, con dốc uốn lượn chừng 15 phút thì đến được điểm check-in - cây đa hơn 800 tuổi. Ðây là một trong những điểm tham quan khá nổi tiếng của du khách khi đến bán đảo Sơn Trà. Chạy xe tiếp chừng 200 mét nữa là đến bãi đỗ xe và cũng là điểm cuối của con đường. Từ đây, bắt đầu hành trình băng rừng hướng về phía chân núi để đến với mũi Nghê. Con đường độc đạo dẫn thẳng xuống mũi Nghê là một lối mòn nhỏ xuyên qua những tán lá giữa rừng già. Lối mòn có nhiều đá tảng, cây cối chắn ngang, dây leo sà xuống buộc chúng tôi phải khom người không ít lần mới có thể tiến về phía trước. Thi thoảng có một vài nhóm du khách trẻ lên xuống trong tiếng chim gọi đàn.

Bám theo lối mòn xuống chân núi chừng gần một giờ thì mặt biển hiện ra. Phóng tầm mắt nhìn xuống phía xa qua những vạt cây bụi, mũi Nghê thấp thoáng. Từ đây đã có thể ngắm nhìn và thả mình vào quang cảnh đẹp ngây ngất của biển và núi, gió và sóng nước mênh mông, sắc mầu hoa sim, hoa mua đầu hè trong nắng vàng rực rỡ… Men theo lối mòn khúc khuỷu, qua những lô cốt hoang phế mọc đầy cây cỏ dại, chúng tôi đến được điểm dừng lý tưởng nhất để có thể ngắm nhìn mũi Nghê giữa buổi trưa giao mùa rực nắng.

Cái tên mũi Nghê xuất phát từ hình thù của mỏm đá này trông giống chú sư tử biển có đầu hướng vào vách núi đá và lưng hướng về phía biển. Ðứng từ trên nhìn xuống có thể thấy một hồ nước trong xanh nằm lọt thỏm giữa mũi Nghê và vách núi. Vì được che chắn bởi mũi Nghê nên dù phía biển sóng gió liên hồi, hồ nước vẫn ánh lên màu trong vắt với những gợn sóng nhẹ. Trong nắng và gió, từng con sóng đập triền miên vào bên này mỏm đá làm tung lên từng lớp bọt biển trắng, tạo nên những phác họa cho một bức tranh giao hòa giữa biển trời và đá núi.

Muốn khám phá mũi Nghê, nhiều người còn lựa chọn cách đi bằng tàu hoặc ca-nô. Nhưng chắc chắn, muốn có được cảm giác vừa phiêu lưu mạo hiểm, vừa khoan khoái thư giãn giữa đất, trời và biển cả bao la thì vượt rừng xuống biển là cách phù hợp nhất. Có ai đó đã nói: “Ðến với Sơn Trà mà không đến được mũi Nghê thì mất đi phần nhiều sự thú vị và hấp dẫn trên hành trình khám phá Ðà Nẵng”.