“Đất lành” Thanh Kiều

Nằm cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 30 km về hướng tây, du khách đi quốc lộ 80 hướng Hòn Đất - Hà Tiên sẽ thấy một khu rừng tràm bát ngát, chiều xuống, trắng muốt những cánh cò bay lượn, kiếm tìm tổ ấm để quây quần sau một ngày vất vả kiếm ăn. Đó là khu sinh thái vườn cò Thanh Kiều, một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch mỗi khi đến quê hương Hòn Đất.

Vẻ đẹp lãng mạn của vườn cò. Ảnh: LÂM THÀNH LIÊM
Vẻ đẹp lãng mạn của vườn cò. Ảnh: LÂM THÀNH LIÊM

Người xưa có câu “đất lành chim đậu” là muốn nói về mặt phong thủy tự nhiên. Nhưng khi đến vườn cò Thanh Kiều, sẽ được nghe câu chuyện tình đẹp như cổ tích của hai vợ chồng nhà thơ Vũ Thiên Kiều và kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Thanh. Anh chị là những người yêu thiên nhiên, yêu động vật, hào phóng và lãng mạn, ý hợp tâm đầu đã bao năm vượt khó khăn cùng gây dựng nên mảnh “đất lành” này.

Vườn cò Thanh Kiều bắt đầu hình thành cách đây đã 20 năm có lẻ. Thuở ban đầu, khu này là mênh mông lúa, đồng nước, hoang vu, chứ nói chi đến bóng tràm xanh. Anh Nguyễn Văn Thanh khi ấy là một kỹ sư lâm nghiệp, công tác trong ngành kiểm lâm. Trên mỗi chặng đường tuần tra, chứng kiến người dân địa phương săn bắn chim muông, trong khi diện tích rừng ngày một thu hẹp, anh rất đau lòng. Được sự ủng hộ của vợ, anh Thanh làm thêm ngành nghề khác để có thêm thu nhập, hai vợ chồng sớm tối tăng gia sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, nhằm tích lũy vốn mua đất trồng tràm. Năm 1999, khi có được ít vốn liếng, anh bắt đầu mua đất của bà con, đến nay gia đình đã mua gom được hơn 20 héc-ta. Đam mê với rừng, năm 2009, anh Thanh xin nghỉ việc để toàn tâm, toàn ý thực hiện ước mơ.

Mới đầu, anh cũng chẳng biết phải làm sao để dụ chim về. Anh mày mò tìm hiểu các rừng tràm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những nơi có chim, cò về sinh sống. Vừa “tầm sư học đạo”, anh Thanh tìm mua vịt trời, le le và nhiều loài khác thả vào khu rừng tràm với quan niệm “khi đàn cò tìm đến rừng tràm trú ngụ thấy các loại chim trời này sinh sống ở dưới mặt nước được, chúng sẽ ở trên cây được”.

Thế nhưng, làm thế nào để thu hút du khách đến tham quan mà không ảnh hưởng đến đàn chim, cò là điều mà vợ chồng anh Thanh trăn trở. Thế rồi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ngoài việc bố trí lối đi khi khách đến tham quan để không ảnh hưởng đến đàn chim, cò, anh Thanh bố trí nơi dừng chân ăn uống cũng phải hài hòa như xây nhà thủy tạ bên ngoài khu vườn cò, chung quanh xây dựng các căn chòi để du khách dễ dàng nghe tiếng chim, cò kêu, hòa mình vào thiên nhiên muông thú. Nhờ vậy, lượng khách đến vườn chim Thanh Kiều ngày một đông, nhất là các đoàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học hỏi trực quan về một địa chỉ bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Về chiều, từng đàn từng cặp cò trắng, ríu rít về tổ như mời gọi, như thúc giục mỗi người cũng hãy nhanh chân về bên tổ ấm. Khi con người biết cách sống hòa thuận với thiên nhiên sẽ thấy tâm hồn thư thái và bình yên đến lạ.