Có thương thì về Phú Chiêm...

Một ngày lạc bước giữa phố xá Đà Nẵng náo nhiệt, người, xe tấp nập; đang thèm thấy lại chút bóng dáng quê mùa xứ Quảng, bỗng bắt gặp một gánh mì khiêm tốn, bàn ghế nho nhỏ, gọn gàng bên vỉa hè với bảng hiệu viết tay: Mì Quảng Phú Chiêm.

Có thương thì về Phú Chiêm...

- Chị ơi cho em tô mì Quảng!

- Em ăn mì gà hay mì Phú Chiêm?

- Ủa, mì Phú Chiêm là mì gì ạ?

Thì ra Phú Chiêm không phải là tên riêng của quán mì, mà nó chính là tên của món mì Quảng gốc được ra đời từ làng Phú Chiêm thuộc xứ Quảng Nam xưa. Thưởng thức hương vị đậm đà của món mì có cái tên là lạ khiến tôi những muốn tìm hiểu kỹ hơn về một địa danh, thủ phủ của món mì Quảng nức tiếng đã lâu.

Rồi đầu xuân năm sớm, tôi có duyên tìm về làng Phú Chiêm ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vùng đất này cũng đang lưu giữ một tồn nghi về địa điểm lỵ sở của dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn, hay còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm - thủ phủ của Xứ Đàng trong thuở trước.

Cánh đồng Phú Chiêm đang vào vụ gặt. Nghe nói người Phú Chiêm chỉ dùng lúa gạo của đồng này để làm nguyên liệu cho món mì Quảng. Ngoài những nguyên liệu mì Quảng thông thường, người Phú Chiêm dùng cua đồng để làm cho nồi nước nhân của mình thêm vị ngọt đậm đà và tạo hương riêng biệt. Đó là nét đặc trưng chỉ có ở mì Phú Chiêm. Nghề làm mì Quảng ở Phú Chiêm hiện đã phát triển đến mức độ chuyên môn hóa. Cả làng mỗi người mỗi việc. Người chuyên tráng mì, người chuyên cung cấp nguyên liệu: thịt, rau, tôm, trứng…, lại có nhiều người chỉ chuyên chế biến và vận chuyển đi xa để bán.

Cách làng Phú Chiêm không xa, một quán mì nhỏ có tuổi đời tròm trèm nửa thế kỷ. Khắp vùng không ai không biết tiếng của quán bà Hương ở thị trấn Đông Phú, Quế Sơn, Quảng Nam. Điều đặc biệt nữa, từ hơn 10 năm nay, giá tô mì vẫn được duy trì chỉ 5.000 đồng mà vẫn đầy đủ thành phần mì, gà, rau sống, nước nhân. Bà Hương nói, giữ mức giá ấy để những người lao động nghèo cũng có thể nhớ món ngon mà tìm đến không phải ngại ngần. Nghe câu chuyện ấy mà lữ khách cảm nhận tô mì có thêm hương vị thật đặc biệt. Xứ Quảng khô cằn nắng gió này, dung chứa một thứ nguyên liệu bí ẩn để làm nên sức hút cho món ăn bình dân, nhưng vô cùng hấp dẫn này chính là sự chân tình. 

Bến xe chợ cầu Mống. Mới ba giờ sáng nhưng nơi này đã rộn rã tiếng người. Các bà, các chị làng Phú Chiêm tấp nập gánh hàng ra bến chờ xe, chuẩn bị cho một ngày mưu sinh bên gánh mì. Sớm mai ra, dạo bước trên những nẻo đường quê, góc phố, bất chợt gặp những gánh mì xứ Quảng thấy thân thương quá đỗi với những bờ vai tần tảo, những ánh mắt ân cần, những nụ cười ấm áp… 

Về xứ Quảng, thưởng thức món ăn dân dã thấm đẫm tình quê, chợt hiểu thêm câu hát: “Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng…”.