“Bay” qua núi Cấm

Một trong bảy ngọn núi lừng danh của vùng An Giang đang thấp thoáng phía cuối con đường. Cáp treo hôm ấy chẳng có khách, mỗi mình tôi “lang thang” giữa lưng chừng trời. Bình sinh lần nào tôi đi cáp treo cũng thấy tấp nập người ngồi túm tụm trong các khoang cáp ngược chiều. Chưa kể khoang của mình cũng thêm dăm bảy người khác trò chuyện rôm rả. Bận này các khoang cáp ngược xuôi trên sợi dây khổng lồ đều trống không.

Núi Cấm với cảnh quan hùng vĩ, yên bình, tiềm năng phát triển thành trung tâm du lịch tâm linh quốc tế. Ảnh: Ngô Chuẩn
Núi Cấm với cảnh quan hùng vĩ, yên bình, tiềm năng phát triển thành trung tâm du lịch tâm linh quốc tế. Ảnh: Ngô Chuẩn

Tôi đang “bay” qua vùng núi Cấm, bên dưới um tùm cây lá bao phủ nơi thâm sơn cùng cốc. Ngọn núi này cũng có một cái tên Khmer là Pnom Ta Piel. Cảm giác trên đầu là trời, dưới là ta, ở giữa và chung quanh không còn ai khác mới tuyệt làm sao. Tôi lim dim mắt thêm chục phút thì khoang cáp đã hạ xuống mặt đất. Núi Cấm có đến cả trăm ngôi chùa, tượng Phật và các kiểu di tích tôn giáo. Chẳng biết có ai mà đi hết nổi? Tôi đi ngược chiều kim đồng hồ đúng một vòng hồ, tới đâu bị thợ ảnh dạo mời chụp đến đấy. Hai mươi ngàn một tấm lấy ngay. Có cô gái đi theo mời riết. Tôi đồng ý chụp hai tấm, rồi lẽo đẽo đi theo cô vào một ngôi nhà tạm để chờ người làm photoshop đưa chữ Kỷ niệm Lâm Viên Núi Cấm 2017 mầu đỏ rợ vào mép ảnh. Cả cái viền khung cũng được họ trang trí đường diềm hai mầu xanh đỏ. Trong lúc chờ đợi, cô gái chụp ảnh hỏi tôi:

- Chị người đâu ta?

- Chị ở Hà Nội.

- Chị vào đây có một mình thôi hả, không đi cùng ai hết hả?

- Ừ, chị đi có một mình.

Nhẽ hình dung ra quãng đường vi vu xa lắc từ Hà Nội vô, rồi từ thành phố Hồ Chí Minh lặn lội về Châu Ðốc, rồi Châu Ðốc lại lọ mọ lên tận núi Cấm, cô gái nhiếp ảnh chưa bao giờ thấy cái gì xa xôi hơn vậy nên khuôn mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Lát sau tôi nghe cô ta thì thầm với cô gái còn lại vẫn đang hí hoáy đưa nốt đường diềm vào ảnh và kích mầu cho đôi môi tôi đỏ choét lên:

- Bả ghê á, từ đi Hà Nội vô đây một mình á. Tui thì tui chịu chết, hổng dám vậy đâu.

Tôi đứng ra hàng hiên cho đỡ phải nghe trộm, tự cười toét miệng. Mỗi người có một hạnh phúc riêng. Có người bình yên vì ngày ngày rảo chục vòng hồ, và niềm vui là gặp được một vị khách điệu đàng đặt chụp tới mươi tấm ảnh. Cũng có người mong đi đủ vài vòng quanh thế giới rộng lớn, và khoái lạc đỉnh cao là khi được đứng trên một đỉnh núi mây bay gió thổi không người qua lại ở một lục địa cách nửa vòng trái đất, hoặc cảm nhận đám cát mịn màng của sa mạc đang từ từ xâm lấn vào những nếp váy đã chóng bạc mầu. Tôi nhận hai tấm ảnh ép plastic, khen đẹp rồi cảm ơn và chào tạm biệt hai cô gái để vội vã đi về phía chùa Vạn Linh, tiêu điểm của núi Cấm.

Có những công trình tôn giáo khiến người ta phải quỳ sụp xuống vì sự thiêng liêng tráng lệ, chùa Vạn Linh đúng là một nơi như vậy. Mái vòm chánh điện cao vòi vọi tới vài chục mét, trần sơn phủ mây trời xanh ngắt, hơn 30 ô cửa sổ lớn cao tận “trời” thu gọn ánh sáng chan hòa tới từng ô gạch, bức tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới gốc cây bồ đề cũng khổng lồ. Kiến trúc Á, Âu pha trộn trong không gian rộng lớn ấy khiến tôi bị ngợp. Ðây có lẽ là gian chánh điện hoành tráng nhất Việt Nam. Tôi ngồi nép mình nhỏ thó bên một bậu cửa ngó vào trong. Gió hiu hiu thổi qua khuôn cửa lộng lẫy. Những muốn ngồi đây mãi mà an yên thế này, nếu như không bị thúc bách bởi nỗi sợ cáp treo giật cầu dao điện hết đường xuống núi.