Văn hóa và phát triển

Về miền non nước xứ Mường

Chợ phiên họp trên thuyền cập bến theo con nước, những gian hàng “tự giác” đóng bằng tre nứa, lợp lá cọ như mái nhà nhỏ xinh dọc xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) bày biện toàn nông sản kèm những tờ giấy ghi giá và chiếc giỏ đựng tiền mà không cần người bán hàng. Tất cả đã làm nên nét mộc mạc và hấp dẫn nơi sông nước được bao phủ bởi núi cao, hồ sâu, cây rừng xanh thẳm, thu hút khách du lịch đến với miền non nước xứ Mường giàu bản sắc văn hóa. 

Xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình).
Xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình).

Vươn mình trong gian khó

Buổi sáng, du khách ở Đá Bia thường rủ nhau dậy sớm để xem “hồ thở”. Trong phút chốc, khung cảnh như xứ sở thần tiên hiện ra. Đầu tiên là mặt hồ với hơi nước bốc lên thành từng dải mềm mại, mơ hồ như khói tỏa. Khi ánh bình minh tỏa rạng, khói vẫn chưa tan mà cứ quyện lại giữa xanh trong mây nước. Sau tiếng quẫy của đàn cá tranh mồi, từng đàn vịt trắng phau rời nhà bè rẽ làn khói trắng bơi về bến nước. Hôm nay đến phiên chợ, người dân trong vùng tụ họp, mua bán, ríu ran chuyện trò từ mờ sáng. Mỗi nhà mang vài món hàng đi bán, nhân thể mua sắm thêm đồ sinh hoạt. Chợ họp trên thuyền. Con thuyền là một hiệu tạp hóa với đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết, có cả gian quần áo, ẩm thực... Khoảng trống gần mũi thuyền, mọi người chia nhau bày bán nông sản. Họ cho biết, chợ dưới thị trấn cách gần 40 ki-lô-mét, cho nên “chợ thuyền” là sinh hoạt chính ở đây. Theo con nước, chiếc thuyền tạp hóa sẽ đỗ mỗi ngày một bến, quanh lòng hồ sông Đà, và theo định kỳ sẽ quay lại. Trẻ con mong ngóng chợ để được nhón tay xin bố mẹ tiền lẻ mua bánh rán, kẹo ngọt…

Gia đình bà Đinh Thị Yệu là một trong năm hộ làm dịch vụ lưu trú (homestay) cho khách du lịch ở xóm Đá Bia. Bà bồi hồi kể, ngày xưa, dưới lòng hồ là thung lũng trù phú của xóm người Mường với hàng trăm hộ gia đình, các thế hệ quần tụ trong mái nhà sàn năm gian rộng rãi. Ngày mùa, lúa ngô theo chân người từ nương rẫy về bản, những điệu hát được cất lên trong lễ mừng cơm mới. Từ khi có công trình thủy điện Hòa Bình, xóm Đá Bia trước đây cùng nhiều xóm khác phải di dời đến vùng miền khác. Thung lũng xưa đã thành lòng hồ sâu thẳm bên cạnh sườn núi cao. Gia đình bà Yệu và một số hộ gia đình khác vào khu kinh tế mới trong Tây Nguyên. Nhưng do khí hậu, điều kiện không phù hợp, người già và trẻ con đau ốm liên miên, họ lại quyết định quay về quê hương. Không đủ tiền đưa cả nhà trở lại, các cặp vợ chồng trẻ về trước, dựng lều, phát nương trồng lúa ngô, đến mùa thu hoạch bán đi mới quay vào đón bố mẹ và con nhỏ đoàn tụ. Hơn 40 gia đình bám trụ lại bắt đầu cuộc sống mới trên sườn đồi vùng hồ, san nền đất đai làm nhà cửa, thành xóm Đá Bia bây giờ. 

Khó khăn, cực nhọc, nhưng sức sống chưa bao giờ vơi cạn ở xứ Mường. Thuở nhỏ, phụ nữ trong vùng không được bố mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, phải trông em trên nương và lao động rất sớm nên ước mơ con cái được đến trường trở thành lời thề, lời hứa được họ đưa ra làm điều kiện với người đàn ông hỏi mình làm vợ. Nhờ đó, trẻ em được khuyến khích học hành, thi cử. Con gái bà Yệu, Lò Thị Trang, mang vẻ đẹp đặc trưng, cuốn hút của con gái xứ Mường. Cô có tuổi thơ vất vả, sống cùng ông bà nội, bố mẹ hàng chục năm lênh đênh trên thuyền hàng giữa lòng hồ sông Đà. Tốt nghiệp ngành sư phạm đúng lúc gia đình gặp biến cố lớn, bố bị gãy xương, vôi hóa cột sống, mẹ gặp tai nạn phải mổ ba lần, mãi mới đi lại được, Lò Thị Trang đành gác lại ước mơ trở thành cô giáo. Sau khi đi làm công nhân hơn một năm, Trang quyết định trở về địa phương chăm sóc bố mẹ, đi dạy hợp đồng, nuôi cá, làm nương, bán hàng online và trở thành hướng dẫn viên du lịch tại chỗ ở địa phương. Từ đó tiếp thêm cảm hứng để cô kinh doanh du lịch. Được dự án của một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, cộng với 200 triệu vay ngân hàng, Trang san nền, mua nhà sàn của người dân về dựng lại, tự tay đóng từng cánh cửa, thiết kế từng bộ bàn ghế, bếp núc, vườn tược. Nhà sàn vừa mua lại, đang chuẩn bị tháo dỡ thì gặp đúng trận lũ lịch sử tháng 10-2017, đường sạt lở cả tháng không thông được, Trang quyết định không chờ thời tiết nữa mà vẫn thuê thợ dỡ nhà, đưa từng chi tiết xuống thuyền chở theo đường thủy tới bến nhà mình lại bốc lên. Bây giờ, homestay của gia đình cô với cái tên thơ mộng “Lake View” trở thành điểm thu hút khách du lịch bậc nhất của xóm Đá Bia. Khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng, homestay đón khoảng 10 đoàn khách, doanh thu ở mức khá cao, bảo đảm thu nhập tốt cho gia đình. Ngoài xóm Đá Bia, xã Tiền Phong còn xóm Mó Hém cũng đang phát triển du lịch. Bà Nguyễn Thị Trâm, chủ homestay Như Quỳnh cho biết, xóm chính thức đón khách tham quan từ tháng 5-2019. Xóm có gần 30 hộ, chỉ hai hộ làm homestay nhưng các hộ dân khác đều tham gia vào các tổ nhóm: ẩm thực, văn nghệ, phương tiện xe ôm… Dịch vụ phong phú: trải nghiệm ẩm thực, lao động sản xuất, văn nghệ thôn bản, tắm thuốc, bè mảng, xe đạp, leo núi thám hiểm, đua thuyền kayak… 

Ở xã Tiền Phong chủ yếu người Mường sinh sống, trong đó có nhánh Mường Ạu Tá, trong những câu chuyện cổ xưa có gắn với lời đồn về bùa ngải. Hiện tại, địa phương còn giữ được nhiều nét phong tục độc đáo gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc Mường. Người Mường Ạu Tá có trang phục, ngữ âm khác so với các nhánh Mường. Đặc biệt, đám tang của người Mường Ạu Tá chia làm hai nhánh. Một nhánh sẽ dùng trống, chiêng, xòe “hoi” nhộn nhịp. Một nhánh u ám, yên lặng. Tương truyền, nhánh thứ hai xưa kia thuộc họ quan lang giàu có, nhà có người mất thì làm đám tang rất to, chiêng trống vang xa, nhưng cũng trong đám tang đó, họ bị trộm hết trâu bò mà không biết. Từ đấy, họ giữ lời nguyền về sự im lặng. Những ngôi mộ ở xứ Mường có mái che như một ngôi nhà, đầy đủ đồ đạc như lúc người còn sống, những loài cây người qua đời từng thích cũng được trồng quanh mộ, công trình lớn quá thì làm mô hình. Bên cạnh đó, ẩm thực của người Mường làm nên nét đặc sắc với du khách trong nước và ngoài nước. Đầu tiên phải kể tới món bánh nẹt làm từ ngô hoặc sắn, một món ăn mùa giáp hạt của đồng bào, khi trong nhà eo hẹp về lương thực. Món bánh đơn thuần từ bột ngô, sắn nhưng chứa đựng sự tảo tần, khéo léo và tinh tế của bàn tay người phụ nữ xứ Mường.

Mong chờ những thay đổi

Bên cạnh phát triển du lịch, người dân xóm Đá Bia nói riêng và xã Tiền Phong nói chung tập trung trồng luồng, khai thác măng và gỗ, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định. Những năm gần đây, Dự án Du lịch cộng đồng Đà Bắc, với sự hỗ trợ ban đầu của Tiến sĩ Vance Gledhill và một phần tài trợ từ Chương trình hợp tác NGO của Chính phủ Ô-xtrây-li-a (ANCP), được triển khai bởi Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã hướng đến mục tiêu tăng cường cơ hội kinh doanh và hoạt động du lịch, qua đó khuyến khích sự phân chia lợi nhuận công bằng và mang lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Khởi động từ tháng 7-2014, dự án đã góp phần đáng kể trong cải thiện điều kiện và vị thế của người nghèo, nhất là phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Bên cạnh phát triển, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, mang lại sinh kế bền vững cho người dân, dự án còn quan tâm tới vấn đề cải thiện môi trường sống, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em, nhận thức cho thanh niên, hỗ trợ một số hạng mục cho các trường mầm non... Đến với Đà Bắc, du khách có thể bắt gặp những thư viện cộng đồng được thiết kế với mô hình nhà sàn gần gũi, phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân. Các không gian sáng tạo cho trẻ em như: sân chơi, đồ chơi thủ công, vườn hoa... đã được quan tâm, thu hút sự tò mò, yêu thích của trẻ nhỏ. Những năm qua, tổ chức AOP đã viện trợ, hướng dẫn mô hình du lịch cho cộng đồng tại các xã Tiền Phong, Hiền Lương, Cao Sơn của Đà Bắc... Mô hình du lịch cộng đồng đã đón bình quân hơn 3.000 lượt khách/năm, trong đó có hơn 2.000 lượt khách quốc tế. Đặc biệt, điểm du lịch Đá Bia đã vinh dự nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018.  Nếu không có du lịch cộng đồng, chắc hẳn không mấy ai biết tới các bản làng Mường ở xã Tiền Phong xa xôi và nhiều gian khó. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường vùng hồ rất có thể sẽ bị lãng quên. Giờ đây, các bản làng nơi này đang có bước chuyển mình, hình thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Tiền Phong là 34,87% (212/608 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo là 20,89% (127/608 hộ). Rất mừng là năm 2020, đã có 59 hộ thoát nghèo. 

Bên cạnh các thuận lợi, địa phương vẫn tồn tại những khó khăn khiến du lịch cộng đồng chưa phát triển bứt phá. Đầu tiên phải kể đến giao thông với hệ thống đường chưa đạt chuẩn, thường xuyên trong tình trạng đang thi công khiến du khách e ngại khi đến với Đà Bắc. Bên cạnh đó, các dự án phát triển du lịch chưa có được sự quan tâm đúng mức. Tại các xóm du lịch cộng đồng, hệ thống điện đường liên xóm chưa được triển khai, ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt. Hy vọng, địa phương sẽ từng bước khắc phục tồn tại để nâng cao đời sống người dân, khuyến khích mô hình du lịch cộng đồng phát triển, góp phần quảng bá văn hóa vùng miền đặc sắc tới du khách trong nước và nước ngoài.