UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể

NDO -

NDĐT – Tối nay (giờ Việt Nam), tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia, Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO đã chính thức công nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trình diễn nghi thức thờ Mẫu, hát chầu văn tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4, tháng 11-2016.
Trình diễn nghi thức thờ Mẫu, hát chầu văn tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4, tháng 11-2016.

Đây là một hình thức tín ngưỡng trên nền tảng tín ngưỡng thờ nữ thần, là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ qua lịch sử. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Sau một thời gian trầm lắng, tín ngưỡng này đã phát triển trở lại từ đầu thập niên 90, với sự thực hành tự nguyện của các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản, huy động, góp tiền hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ mẫu.

UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1

Trình diễn và phát lộc Mẫu cho đại biểu nước ngoài tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế tháng 11-2016.

Tín ngưỡng thờ Mẫu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, Bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.

UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể ảnh 2

Một buổi thực hành lễ Mẫu thường thấy của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao, v.v. thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể ảnh 3

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, TP Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể ảnh 4

Trong một buổi lễ, thanh đồng sẽ đảm nhiệm vai trò của nhiều vị thần khác nhau.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt “đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như “góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành”.

UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể ảnh 5

Thậm chí là một vị nam thần.

Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng…