Trung tướng quân y triển lãm tranh chào 10-10

NDO -

NDĐT - Sinh đúng ngày 10-10-1954 tại Hà Nội, GS.TS, thầy thuốc nhân dân, trung tướng Nguyễn Tiến Bình – Giám đốc Học viện quân y 103 chọn dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng, tiếp quản thủ đô 1954-2014 để tổ chức triển lãm tranh của mình.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình ký sách cho bạn bè – những người mua ủng hộ “Quỹ khích lệ học viên giỏi”
Trung tướng Nguyễn Tiến Bình ký sách cho bạn bè – những người mua ủng hộ “Quỹ khích lệ học viên giỏi”

“Thầy thuốc văn nghệ”

Dành đam mê cống hiến của mình cho khoa học, trung tướng Nguyễn Tiến Bình là chuyên viên đầu ngành chấn thương, chỉnh hình quân đội và cũng là của cả nước, nhưng ông lại có thêm những niềm hứng thú đặc biệt với văn học nghệ thuật. “Tôi mê văn học, sân khấu, hội họa từ lâu” – ông tâm sự: “Những năm qua, mỗi lần biết có triển lãm mới khai mạc ở Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ở nhà triển lãm Ngô Quyền, rồi ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…, tôi đều đến xem”.

 Trung tướng quân y triển lãm tranh chào 10-10 ảnh 1

Ký ức 32 – Học viện quân y, mùa thu 2012. Ước mơ bình yên.

Mê viết lách, nhiều truyện ngắn của ông đã được đăng báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội… Rồi một ngày cách đây mấy năm, có điều gì thôi thúc khiến ông cầm lấy bút vẽ. Như dồn nén bao nhiêu cảm xúc của nhiều tháng ngày thẩm thấu tác phẩm của các họa sĩ, cùng với sự nhận ra một con đường mới để truyền tải những suy ngẫm, ý tưởng của mình, hàng loạt bức sơn dầu của “họa sĩ tay ngang” ra đời. Đến nay đã hàng trăm bức, với những tranh tĩnh vật, hoa cỏ bình dị, trang nhã và những bức trừu tượng như chồng lấn những mảng nền và vệt màu dài, gợi nhiều tưởng tượng.

Đón ngày vui chung của cả Hà Nội quê hương, triển lãm tranh “Nguyễn Tiến Bình và chuỗi ký ức” vừa khai mạc chiều 4-10 tại chính ngôi trường mà ông đang công tác – Học viện quân y 103 – Hà Đông – Hà Nội. Không chọn một bảo tàng, triển lãm, gallery nào đó, “thầy thuốc vẽ tranh” muốn được chia sẻ nhiều hơn với đồng nghiệp và sinh viên những phút lãng mạn “lòng vòng” một chút bên ngoài chuyên môn. Những phút giây đó vốn cũng hiếm hoi bên cạnh những năm dài dày đặc công việc, những chuyến công tác, hội thảo, những buổi lên lớp, những ca điều trị, các công trình khoa học… Trung tướng chia sẻ: Tôi không ngủ trưa, buổi tối thường đi bộ nhẹ một lúc, luôn luôn có việc gì đó đang làm: viết sách hay viết truyện ngắn, vẽ tranh…

Bán tranh nâng bước sinh viên

42 bức tranh được chọn triển lãm, có 36 bức trừu tượng mang tên “Ký ức”, đánh số từ 1 đến 36. Tác giả chia sẻ: “Tôi hay hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua và đã xa, từ tận thời tuổi trẻ, trên những con đường, những ngọn đồi, dòng sông, cánh rừng… Cảnh vật, con người, những xúc cảm của mỗi thời kỳ, mỗi lứa tuổi ấy trong tôi cứ hiện lên để tôi hình thành từng bức tranh theo cách nghĩ của mình. Vẽ một cách thoải mái, nhưng đương nhiên cũng không thể cho phép mình cẩu thả, vì đã muốn cầm lấy bút vẽ là phải yêu cầu mình tìm hiểu, xem, đọc về cách phối màu, các mảng xa, gần, bước dẫn dụ của màu sắc…, biết đến đâu thì vẽ đến đó.

 Trung tướng quân y triển lãm tranh chào 10-10 ảnh 2

Ký ức 30 – Salzburg, mùa thu 2010. Nhớ về Mozart.

Họa sĩ NSND Lê Huy Quang - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật trang trí – Hội mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Tôi yêu sự thể hiện màu sắc một cách hồn nhiên, chân thực và trong sáng trong những bức tranh của anh. Thật dễ dàng khi nhận ra chất bay bổng, lãng mạn và có kiểm soát như khi nghe vang lên một giai điệu dân gian hay một nhịp vang trang trọng, nhịp nhàng”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh lại có cảm nhận về tranh trừu tượng Nguyễn Tiến Bình: “Quả thật, những bức tranh trừu tượng của Nguyễn Tiến Bình rất khó cắt nghĩa. Tôi chỉ cảm được một cách mơ hồ trong những đường nét nhằng nhịt trên các hình khối không rõ ràng là một khí phách đầy kiêu hãnh và mang âm hưởng triết lý nhân sinh. Cảm xúc mạnh, như thể ùa vào tranh!”.

Rất đáng quý khi cùng với việc chuẩn bị và khai mạc triển lãm, trung tướng Nguyễn Tiến Bình cho biết, ông sẽ dành toàn bộ tiền bán tranh và vựng tập để tặng lại nhà trường, gây “Quỹ khích lệ học viên giỏi”. Hàng năm, nhà trường sẽ dùng quỹ này để động viên, khích lệ những học viên có thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học. Thầy thuốc – thầy giáo – người lính Nguyễn Tiến Bình chia sẻ: Một chút quà nhỏ động viên, khích lệ đúng lúc sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy động lực phấn đấu của những người thầy thuốc trong tương lai… Tôi mong muốn quỹ này sẽ được duy trì và ngày càng lớn mạnh nhờ sự chung tay góp sức của nhiều người”.