Tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ

NDO -

NDĐT - Ngày 28-11, Sở Công thương tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Nam năm 2019.

Tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hà Nam đã trao tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tỉnh Hà Nam năm 2019 cho 33 cá nhân gồm các nghề: Thêu, trống, dệt, sừng, gốm, trạm khắc và giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Hà Nam năm 2019 cho 20 sản phẩm của 17 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Theo báo cáo, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hà Nam đã tám lần xét, công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh và đã lựa chọn, công nhận được gần 230 nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về địa phương. Trong đó, có 21 nghệ nhân (có một nghệ nhân đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú cấp Nhà nước), 205 thợ giỏi và hai người có công đưa nghề mới về tỉnh. Các nghệ nhân, thợ giỏi tập trung ở một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ như: thêu ren, sừng mỹ nghệ, mây tre đan, mộc, gốm, trống… chủ yếu ở các huyện: Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân.

Đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, từ năm 2014, sau ba lần bình chọn, tỉnh Hà Nam đã có 51 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có bốn sản phẩm được công nhân là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực gồm: thêu Thanh Hà, bánh đa nem làng Chều, cặp phao cứu sinh, bồn tắm gỗ. Riêng sản phẩm cặp phao cứu sinh đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Nam cho biết: Việc tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu không chỉ khích lệ, động viên tinh thần các cá nhân tập thể tâm huyết giữ nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là xây dựng nòng cốt, tạo động lực thúc đẩy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ngày một phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và bảo đảm an sinh xã hội.

Do vậy, trong thời gian tới, ngành Công thương tích cực tham mưu với tỉnh tháo gỡ khó khăn trong các cơ sở đầu tàu trong các làng nghề thông qua công tác xúc tiến thương mại, tăng mức hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển mẫu mã sản phẩm cho các nghệ nhân, thợ giỏi, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hà Nam chia sẻ.

“Sở Công thương sẽ tăng cường hỗ trợ các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho các nghệ nhân, thợ giỏi; hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi thành lập doanh nghiệp làng nghề” - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Nam nói.