Tìm cơ hội hợp tác trong công nghiệp giải trí

NDO -

NDĐT – Hàn Quốc là thị trường rất mạnh và linh hoạt trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp giải trí. Những ảnh hưởng của văn hóa giải trí Hàn Quốc đang lan tỏa mạnh mẽ gần như khắp thế giới, với chiến lược phát triển bài bản và bền vững. Học tập kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác với đối tác Hàn Quốc là một trong những mong muốn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam tại buổi hội thảo.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam tại buổi hội thảo.

Kết nối doanh nghiệp Hàn – Việt

Tại “Hội thảo hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc, trong thời đại 4.0” diễn ra tại khách sạn Grand Plaza Hà Nội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đến tham dự và tìm kiếm cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giải trí với nhiều công ty, tập đoàn giải trí mạnh của Hàn Quốc như SM Entertainment , Creek & River Entertainment, đại diện của Diễn đàn Công nghiệp Văn hóa Hàn Quốc, Đại học Công nghiệp Văn hóa Chungkang (Hàn Quốc), Viện Kinh tế Hàn Quốc…

Đây là Diễn đàn hợp tác Việt – Hàn lần thứ 5 do Hiệp hội Kinh tế Thành Công (Hàn Quốc), Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, Diễn đàn Văn hóa Hàn Quốc tổ chức, với sự tài trợ của Báo kinh doanh Maeil (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Truyền thông VietNamNet ICom.

Hội thảo còn có sự góp mặt của các vị lãnh đạo đại diện các ban ngành như ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Khoa học và Công Nghệ; ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Về phía Hàn Quốc có ngài Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Chủ tịch danh dự KORCHAM Hà Nội, cùng với hơn 100 vị Chủ tịch, CEO, doanh nhân đến từ các tập đoàn, công ty hai quốc gia như ông Lee Soo Man – Chủ tịch SM Entertainment; ông Ahn Keon-Joon – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp liên doanh Hàn Quốc; ông Lee Jang-Woo – Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thành công; ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT; ông Vũ Xuân Hồng - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu Nghị Việt Nam…

Ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết tại hội nghị: “Từ năm 2011 đến nay, Hàn Quốc luôn giữ vững ngôi vị là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 64 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động”.

Thứ trưởng cũng khẳng định: “Hội nghị hợp tác kinh tế lần này sẽ đặt nền móng vững chắc cho những hợp tác kinh tế của hai nước trong kỷ nguyên 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá giải trí, thị trường mà Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 10,7%”. Theo các số liệu được đưa ra trong báo cáo của Viện phát triển nội dung Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, đã và đang nổi lên như một thị trường kinh tế lớn mạnh và thị trường văn hoá giải trí dự kiến sẽ là một thị trường tăng trưởng cao 8,8%, vượt xa mức tăng trưởng trung bình thế giới 5%. Với tín hiệu khả quan này, chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng một chiến lược nhằm thúc đẩy nền công nghiệp văn hoá giai đoạn 2020 – 2030.

Bài học từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc

Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một quốc gia xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài rất mạnh mẽ. Theo như ông Lee Soo Man (Chủ tịch SM Entertainment) cho biết, K-POP, được coi là một đại diện của làn sóng Hàn Quốc, hiện đang mở rộng ảnh hưởng của mình trên tất cả các ngành công nghiệp. K-POP cũng ảnh hưởng đến cách mạng công nghiệp thứ 1 và thứ 2 của Hàn Quốc, và đã hình thành một nhóm ngành công nghiệp lớn hơn có thể mở rộng và hội tụ với các ngành khác nhau, và xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp dựa trên điều này.

“Khi bắt đầu bước vào thị trường giải trí thế giới năm 1997 tôi đã từng nói rằng "Culture First, Economy Next". Quan niệm thông thường vẫn cho rằng một quốc gia có một nền kinh tế vững mạnh và phát triển sẽ giúp cho văn hóa của quốc gia đó lan rộng và ảnh hưởng trên toàn thế giới, nhưng tôi thiết nghĩ và mong đợi rằng một nền văn hóa phong phú đa dạng được giới thiệu rộng rãi và nhận được sự yêu thương, đón nhận ở các nước láng giềng và lan rộng trên toàn thế giới, cũng sẽ giúp cho đất nước đó phát triển thành một cường quốc về kinh tế” – ông Lee Soo Man chia sẻ.

Quả thực, K-POP đang tạo ra các hiệu ứng tăng trưởng giá trị gia tăng và kinh tế cao hơn thông qua tác động đối với cách mạng công nghiệp thứ nhất và thứ hai. Lợi ích kinh tế của làn sóng Hàn Quốc tăng từ 6,4 tỷ USD năm 2010 lên 18 tỷ USD vào năm 2015, ước tính đạt 51,8 tỷ USD vào năm 2020 tương đương với 58 nghìn tỷ won.

“Thành công của ngành công nghiệp văn hoá giải trí đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành công nghiệp khác ở Hàn Quốc và đem lại giá trị gia tăng rất cao. Mô hình này của ngành văn hoá giải trí Hàn Quốc có thể được coi là một ví dụ điển hình cho hiệu ứng “Tràn” (Hiệu ứng tràn Spillover Effect: Hiệu ứng "tràn" là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong kinh tế, khi một hoạt động kinh tế ảnh hưởng giúp tăng trưởng tính hiệu quả những hoạt động khác mà tưởng chừng như hai hoạt động này không có liên quan gì đến nhau)” – ông Lee Soo Man cho biết.

Tìm cơ hội hợp tác trong công nghiệp giải trí ảnh 1

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí đã tham gia.

Theo ông Lee Soo Man, Việt Nam là một quốc gia trẻ trung và năng động với 65% dân số dưới 35 tuổi. Ngoài ra, hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, dân số… Đó là điều kiện tốt để đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa, dùng văn hóa làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế như Hàn Quốc từng làm. Ông cho biết, tháng 12-2017, SM Entertainment đã thành lập nhóm “NCT Việt Nam”, với tham vọng đưa nhóm lên thành top những ngôi sao không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn thế giới.

Có mặt tại buổi hội thảo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh văn hóa, giải trí Việt Nam cũng đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với phía Hàn Quốc. Diễn viên Minh Tiệp đã giới thiệu công ty của mình và mong muốn được hợp tác với các dự án của phía Hàn Quốc. Bà Ngô Bích Hạnh (BHD) đã chia sẻ sự tâm đắc với ý “văn hóa đi trước, kinh tế đi sau” của ông Lee Soo Man. “Chúng tôi muốn bảo vệ văn hóa Việt Nam, muốn đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và muốn có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường” – bà Ngô Bích Hạnh cho biết.