Tiết giảm nhiều trò chơi dân gian, hoạt động giải trí tại Lễ hội chùa Keo Thái Bình

NDO -

Chỉ còn ba ngày nữa, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chính thức khai hội mùa Thu. Đây là lễ hội truyền thống, tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, năm nay Ban tổ chức lễ hội có những điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình. 

Tháp chuông chùa Keo, một biểu tượng văn hóa của quê lúa Thái Bình.
Tháp chuông chùa Keo, một biểu tượng văn hóa của quê lúa Thái Bình.

Trao đổi với Nhân Dân điện tử, ông Nguyễn Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Keo mùa thu khẳng định: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, cộng với tình hình lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền trung nước ta. Vì những lý do trên, huyện Vũ Thư đã đi đến thống nhất tiết giảm tối đa phần lễ và phần hội.

Cụ thể, chương trình khai mạc lễ hội không tổ chức ở quy mô lớn như các năm (không làm sân khấu, không dựng rạp, bỏ màn trống hội, bỏ các tiết mục hát giao duyên trên thủy đình).

Ngày 26-10 (tức mùng 10-9 âm lịch), vào lúc 7 giờ 30 phút, Ban tổ chức lễ hội chùa Keo mùa thu chỉ làm lễ khai chỉ mở cửa đền (đây là một tập tục để thông báo lễ hội đã chính thức bắt đầu) ngay trong Tòa giá roi (nằm trong  khu di tích) và giới hạn số lượng người tham dự.

Tiết giảm nhiều trò chơi dân gian, hoạt động giải trí tại Lễ hội chùa Keo Thái Bình -0
 Những tấm biển phòng, chống dịch bệnh trong Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo.

Ông Diện cho biết thêm, lễ hội năm nay chỉ duy trì các hoạt động tâm linh theo truyền thống. Các trò chơi dân gian thường có trong dịp này như thi bơi chải, rước thuyền, bắt ếch, tung lưới, thổi cơm, bắt vịt, đập niêu… đều phải tạm dừng.

Ban tổ chức lễ hội chùa Keo mùa thu sẽ tập trung duy trì bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực di tích, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó khuyến cáo người dân thăm quan, chiêm bái, lễ Phật nên đeo khẩu trang y tế.

Chùa Keo Thái Bình là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn lối kiến trúc gỗ truyền thống, niên đại khoảng 400 năm tuổi. Lễ hội chùa Keo đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tháp chuông ngôi chùa này được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.

Lễ hội chùa Keo mùa thu năm nay sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 31-10 (tức mùng 10 đến 15-9 âm lịch).