Tiếp cận Truyện Kiều qua sân khấu đương đại

Công diễn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong những ngày tháng mười này, chương trình sân khấu Nàng Kiều - sản phẩm ra đời từ “Dự án Nàng K…” do Viện Gớt tại Hà Nội phối hợp Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện đã thu hút sự quan tâm của công chúng yêu sân khấu.

Cảnh trong vở Ngẫm Kiều của NSND Hồng Vân (Sân khấu Hồng Vân).
Cảnh trong vở Ngẫm Kiều của NSND Hồng Vân (Sân khấu Hồng Vân).

Vở diễn tập hợp bốn tác phẩm ngắn (từ 20 đến 25 phút) của các đạo diễn Việt Nam và nước ngoài, mang đến những cách tiếp cận mới về di sản văn hóa Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Sở dĩ có tên gọi “Dự án Nàng K” là bởi những người thực hiện muốn hướng đến sự rộng mở về biên độ sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ khi tiếp cận Truyện Kiều. Ở đó, đích khai thác không chỉ đơn thuần là số phận nàng Kiều trong nguyên tác Nguyễn Du mà rộng hơn là vấn đề thân phận, vai trò của người phụ nữ trong góc nhìn soi chiếu giữa truyền thống-hiện đại. Và cả bốn tác phẩm đều thể hiện rõ tinh thần ấy khi mang đến những góc nhìn riêng cùng trải nghiệm sân khấu đa dạng cho khán giả.

Chương trình mở màn bằng tác phẩm của đạo diễn người Đức A-mê-li Nê-mây-ơ. Nữ đạo diễn khiến người xem bất ngờ khi khai thác yếu tố liên quan Truyện Kiều, nhưng lại không có sự xuất hiện của bất kỳ nhân vật nào trong tác phẩm của Nguyễn Du. Lấy bối cảnh là không gian sang trọng của một nhà hàng hiện đại, nơi nhân vật Quỳnh được chồng tổ chức sinh nhật và tặng cô Truyện Kiều làm quà, những góc nhìn của người trẻ hôm nay về nàng Kiều đã được gợi mở và bộc phát đầy sinh động, tự nhiên thông qua cuộc bàn luận sôi nổi trên bàn tiệc.

Đó là những câu hỏi đầy băn khoăn về cuộc đời Kiều, rằng nếu quyết định khác ngay từ đầu, liệu cuộc đời nàng có khác? Hay trong mối quan hệ tay ba giữa Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư, ai là người có lỗi nhất, đáng thương nhất và đáng trách nhất?... Để rồi sau nhiều đáp án và lập luận, khi những góc nhìn hiện đại va đập với những câu chuyện của quá khứ, vở diễn gửi gắm thông điệp hướng tới sự tự tin, bản lĩnh của phụ nữ trong cuộc sống hôm nay.

Ở một phương diện khác, đạo diễn - NSƯT Trần Lực (Đoàn kịch Lucteam) lại chọn cách tiếp cận Kiều ở lát cắt nàng gặp gỡ Từ Hải và báo oán Sở Khanh. Trái với vẻ liễu yếu đào tơ như hình dung thường thấy, nàng Kiều của đoàn kịch Lucteam được tái hiện với áo vét, quần âu và sự mạnh mẽ, dữ dội đến quyết liệt khi trừng phạt kẻ đã làm hại cuộc đời mình. Đối lập hoàn toàn là hình ảnh một Sở Khanh yếu đuối, dúm dó, cúi đầu trước sức mạnh của cái đẹp và quyền lực. NSƯT Trần Lực chia sẻ, chọn cách khai thác này, anh và ê-kíp dàn dựng muốn thể hiện sự trưởng thành, sức mạnh tiềm tàng và nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh của Kiều. Chỉ khi phụ nữ mạnh mẽ và làm chủ cuộc đời, họ mới xóa bỏ được định kiến và phân biệt… Thêm một lần nữa, Lucteam lại chứng tỏ sức hút riêng khi theo đuổi phong cách biểu hiện - ước lệ của sân khấu truyền thống. Kết hợp cách dàn dựng tối giản đến tối đa, sự kết hợp của bộ gõ và múa đương đại đã khiến tác phẩm trở thành điểm nhấn đặc biệt trong đêm diễn.

Trong khi đó, NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) chọn hình thức kịch hình thể và kịch đọc đề cập thân phận của nàng Kiều. Anh tiếp tục phát huy sở trường khai thác tính tương tác và ngôn ngữ biểu tượng để làm nên cuộc đối thoại giữa nàng Kiều xưa và nàng Kiều nay trong hành trình đi tìm tình yêu, trải qua những chìm nổi của định mệnh và cùng khao khát hướng đến tự do. Từ đó, tác phẩm làm nổi bật những điểm chung và riêng trong thân phận người phụ nữ xưa và nay. Thêm một điểm cộng mang đến ấn tượng thị giác mạnh mẽ là việc đạo diễn đã sử dụng đạo cụ chính là những chiếc thang dây, dây thừng để tượng trưng cho những trói buộc, định kiến của dư luận bủa vây người phụ nữ…

Giàu chất nhạc và giàu tính giải trí hơn, đó là cách NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân) xây dựng Ngẫm Kiều để kết lại toàn vở diễn. Vận dụng yếu tố liêu trai trong kịch kinh dị, tác phẩm khai thác những cuộc báo mộng của Đạm Tiên với Kiều, khuyên Kiều nên biết buông bỏ thù hận. Bên cạnh hình ảnh một Thúy Kiều sắc sảo với tính cách đa diện, Ngẫm Kiều khiến người xem bất ngờ khi tập trung khai thác những giằng xé, diễn biến tâm lý của nhân vật Hoạn Thư… Sự đầu tư cho âm nhạc với những ca khúc được sáng tác riêng bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung càng khiến tác phẩm dễ chạm đến cảm xúc của người xem.

Chương trình sân khấu Nàng Kiều được đánh giá cao về tính thử nghiệm bởi có thể nói đây là lần đầu có tới bốn tác phẩm sân khấu có đề tài về Kiều cùng được thể hiện trong một đêm diễn. Việc bốn đạo diễn, trong đó có cả nam-nữ, miền bắc - miền nam, trong nước - ngoài nước cùng đưa ra những “giải mã” về Truyện Kiều đã mang đến những góc nhìn đa diện và thú vị. Ở đó, người xem thấy hả hê khi bắt gặp một nàng Kiều mạnh mẽ, tự làm chủ cuộc đời mình; thấy cảm thông cho nỗi đau của nhân vật vốn được xem là đanh đá, tai quái là Hoạn Thư, thấy hả hê khi Kiều đứng lên trả thù... Từ đây, không chỉ thấy được sức hút, nguồn cảm hứng mãnh liệt của tuyệt phẩm văn học Truyện Kiều đối với nghệ thuật đương đại, mà còn thấy được cách các nghệ sĩ khai thác chất liệu kinh điển để đưa lên sân khấu đương đại. Có lẽ, cách tốt nhất để khẳng định giá trị, sức sống của những tác phẩm kinh điển chính là mang đến cơ hội để tác phẩm đối thoại với các vấn đề của xã hội hôm nay...