Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc

NDO -

Hơn 340 tài liệu về khảo cổ học được công bố tại Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 do Viện Khảo cổ học - Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp UBND TP Hải Phòng khai mạc sáng 29-9, tại TP Hải Phòng.

Quang cảnh Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55.
Quang cảnh Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55.

 Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 300 nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa trên cả nước.

Tại diễn đàn này, các đại biểu được thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, nhằm giới thiệu đến công chúng và nhân dân, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học, khoa học, xã hội và nhân văn trong thời gian qua. Trong đó, có 105 tài liệu về khảo cổ học tiền sử như: di tích cư trú Tuần Quán 1 (Yên Bái) - di tích có niên đại sớm nhất từ hậu kỳ Đá cũ; di tích Vườn Chuối, gò Dền Rắn, Mỏ Phượng (Hà Nội); các di tích hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí tại Đắc Nông, Gia Lai, Đắc Lắc… Cùng với đó là 166 tài liệu về khảo cổ học lịch sử về thành Luy Lâu, Thăng Long, các bãi cọc thuộc chiến trường Bạch Đằng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc…. Đồng thời, 48 tài liệu về khảo cổ học Champa - Óc Eo, 16 tài liệu về khảo cổ học dưới nước và sáu tài liệu về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ cũng được thông báo.

Những tài liệu công bố tại hội nghị cũng là cơ sở đề xuất xây dựng các đề án, dự án, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và các địa phương. Đây cũng là những thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu vật chất, giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam. Mục tiêu để bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trước đó, chiều 28-9, các nhà khoa học đã đi thăm dấu tích bãi cọc Cao Quỳ, bãi cọc Đầm Thượng tại huyện Thủy Nguyên - những chứng tích lịch sử mới phát hiện được cho là có liên quan đến những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng của cha ông ta xưa. Hiện, TP Hải Phòng đang thực hiện các dự án nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích lịch sử quan trọng và có ý nghĩa trong mạch nguồn lịch sử của dân tộc và mảnh đất nơi đây.