Tháng Ba Tây Nguyên

NDO -

NDĐT - Tháng Ba, Tây Nguyên vào mùa rẫy mới. Tháng Ba cũng là mùa lễ hội của miền đất đỏ cao nguyên huyền thoại, miền đất gắn bó với cuộc đời tôi 40 năm nay.

Ngã sáu Buôn Ma Thuột (Ảnh: vhttdldaklak.gov.vn)
Ngã sáu Buôn Ma Thuột (Ảnh: vhttdldaklak.gov.vn)

Ngày đón nhận tin Chiến thắng hơn 40 năm về trước, tôi đang là cậu học sinh cuối cấp. Cái tên Buôn Ma Thuột – Đác Lắc dù đã biết qua sách vở nhưng với tôi cũng như bao người dân miền Bắc ngày ấy thật xa vời. Lúc bấy giờ tôi không nghĩ số phận lại gắn bó cuộc đời tôi với mảnh đất huyền thoại này chỉ bốn năm sau ngày Chiến thắng.

Tháng 12 năm 2014, tôi đã viết những vần thơ kỷ niệm 35 năm sống ở Buôn Ma Thuột với tất cả cảm hứng thi ca của mình:

Ngày tôi lên đường đi nhận công tác
Mẹ tiễn tôi nghẹn ngào trong nước mắt
Thương con vất vả nơi phương trời
Vùng đất ấy quá đỗi xa xôi
Những biệt danh mới nghe đã rợn người
Rừng xanh heo hút “buồn muôn thuở”
Phố xá lơ thơ “bụi mù trời”!

để rồi:
Đất bazan dính chặt đời tôi
Cho tôi hạnh phúc của cuộc đời,
Đất cao nguyên lồng lộng khí trời
Cho tôi khát vọng làm người tự do

và hôm nay:
Ban Mê – Ngày ấy – Bây giờ
Rưng rưng, tôi hát bài ca cuộc đời.

Kỷ niệm Chiến thắng Buôn Ma Thuột lần này, tôi muốn làm một cái gì khác không phải vì cảm hứng thi ca đã cạn. Tôi muốn có một cái nhìn cụ thể hơn, sinh động hơn, có thể chưa đầy đủ nhưng cũng không sáo mòn. Tôi muốn cho mọi người – những ai ở xa, những ai chưa đến Buôn Ma Thuột cảm nhận được sự đổi thay từng ngày từng giờ của thành phố.

Thế rồi, một buổi sáng như bao buổi sáng khác, tôi rong ruổi trên khắp các nẻo đường thành phố. Ở đâu tôi cũng bắt gặp một không khí nhộn nhịp, một không gian rực rỡ sắc màu chuẩn bị cho ngày đại lễ. Buôn Ma Thuột đang thay áo mới.

Chiếc xe máy đưa tôi lướt bon bon trên đường Lê Duẩn – con đường xanh của thành phố. Khu Biệt Điện nổi tiếng của vị vua cuối cùng triều Nguyễn vẫn giữ được nét cổ kính, lặng lẽ dưới tán xanh mát rượi của những cây cổ thụ, tạo nên một điểm nhấn độc đáo của phố núi.

Đường Nguyễn Tất Thành như một dải lụa, vắt ngang giữa trung tâm thành phố sầm uất. Tôi tưởng tượng nó như dải phù hiệu choàng trên vai người đẹp đêm chung kết cuộc thi hoa hậu nào đó mà vương miện chính là Ngã Sáu.

Ngã Sáu Ban Mê! Cái địa danh đã gợi biết bao cảm hứng cho thơ nhạc, gợi khát khao gặp gỡ của bao du khách. Ngã Sáu in dấu lịch sử, văn hóa của thành phố từ buổi sơ khai, qua trường kỳ đấu tranh cách mạng cho đến những năm tháng lao động sản xuất xây dựng nên bộ mặt thành phố tươi đẹp hôm nay.

Ngã Sáu là chứng tích của lịch sử. Ngã Sáu là biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, Tây Nguyên chiến thắng.

Người Ý có câu ngạn ngữ: Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome. Còn tôi, tôi thấy ở Buôn Ma Thuột, mọi con đường đều đổ về Ngã Sáu. Nơi ấy là điểm hẹn của du khách muôn phương, là cánh cửa đưa ta vào miền đất Tây Nguyên huyền bí…

Đang rong ruổi trên đường Nguyễn Lương Bằng xuyên giữa rừng tếch đang thay lá – một con đường đẹp nối thành phố với sân bay quốc tế trong nay mai – tôi bỗng nảy sinh ý định lên cao để được ngắm nhìn Buôn Ma Thuột cho thỏa thích, để thử cái cảm giác đứng trên không gian cao vời vợi. Tôi bèn quay xe trở lại trung tâm thành phố, đến tòa “tháp đôi” chung cư của tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai trên đường Nguyễn Công Trứ. Thang máy đưa tôi vượt 18 tầng lầu trong chốc lát. Khi lên đến sân thượng của tòa nhà, gió lồng lộng như muốn xô tôi ngã.

Chưa bao giờ tôi được ngắm thành phố thân yêu ở độ cao như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy Buôn Ma Thuột lớn đến thế. Lâu nay ở dưới mặt đất, chưa vượt quá tầm cao vài mét, cứ nghĩ thành phố mình chật hẹp. Nào ngờ lên cao mới biết Buôn Ma Thuột rộng lớn. Thành phố như một người trẻ tràn đầy sức sống, đang cựa mình, đứng dậy vươn xa.

Đây, trung tâm thành phố sầm uất và Ngã Sáu là trái tim mà tôi như cảm nhận được nhịp đập sôi nổi của nó. Kia vùng đông bắc đang phát triển từng ngày. Vùng tây nam bình lặng, chập chùng đồi núi. Tất cả hợp thành một bức tranh toàn cảnh về một đô thị đang trên đà phát triển, xứng đáng là trung tâm của miền đất đỏ Tây Nguyên.

---o0o---

Nói đến Buôn Ma Thuột không thể không nhắc đến hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đứng chân trên địa bàn thành phố.

Trường Đại học Tây Nguyên là một trường đại học vùng đa ngành. Trường đang được đầu tư lớn để tương xứng với vai trò của nó trong tương lai.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đác Lắc, nơi tôi đã gắn bó cả sự nghiệp, cả cuộc đời. Được thành lập một năm sau ngày Buôn Ma Thuột giải phóng, Cao đẳng Sư phạm Đác Lắc là cái nôi đầu tiên đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cho gần như cả vùng cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên và Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Đác Lắc, nơi chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rồi nữa, nhiều nữa những trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khác đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Đến Buôn Ma Thuột, du khách không thể không đến thăm một địa danh độc đáo, đó là buôn Akô Dhông mà người ta quen gọi buôn Cô Thôn nổi tiếng, thuộc phường Tân Lợi, cách trung tâm thành phố khoảng 2km. Trong cơn lốc đô thị hóa mà ở đây vẫn giữ được nguyên vẹn những ngôi nhà dài truyền thống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của người Ê đê bản địa. Buôn Cô Thôn trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân lên Ban Mê.

Thành phố đang trên đà phát triển còn ngổn ngang những công trường dựng xây nhưng đã ngời lên những nét vẽ, những sắc màu của một bức tranh đô thị hiện đại.

Trên cái nền của bức tranh đa diện, đa sắc ấy, tôi thấy hiện lên tươi sáng gương mặt trẻ trung tràn đầy sức xuân của những chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi. Những người trẻ ấy sinh ra và lớn lên khi đất nước đổi mới, được thừa hưởng thành quả của cách mạng, giàu tri thức, nghị lực và niềm tin.

Họ sẽ là chủ nhân mới đưa thành phố quê hương bay cao bay xa trong tương lai rạng ngời của miền đất cao nguyên huyền thoại.

Ôi! Buôn Ma Thuột, thành phố tôi yêu!