Tái hiện cuộc đời nhạc sư Nguyễn Quang Đại trên sân khấu cải lương

NDO -

NDĐT - Tối ngày 28-4, tại Nhà hát Bến Thành, TP Hồ Chí Minh, Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An phối hợp công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi”. Đây là công trình nghệ thuật mang tính toàn quốc kỷ niệm một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương.

Vở diễn khắc họa cuộc đời nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Vở diễn khắc họa cuộc đời nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" (tác giả kịch bản văn học: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt- Phạm Văn Bằng; đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên - Nghệ sĩ Lê Trung Thảo; âm nhạc - NSND Trọng Đài; chỉ đạo nghệ thuật - NSND Trần Ngọc Giàu) khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc với nhân vật chính là thầy Ba Đợi (tên thường gọi của nhạc quan, nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương.

Ông được xem là bậc tiền bối đã đặt nền tảng cho việc kết hợp âm nhạc cung đình Huế với một số nhạc dân tộc, sau đó cải biên và định hình những bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử trên vùng đất Nam Bộ. Từ đây, ca thay phiên, ca ra bộ hình thành là cơ sở để cải lương ra đời sau này.

Vở "Thầy Ba Đợi" quy tụ hơn 60 nghệ sĩ tài danh của nghệ sĩ ba miền trong một vở cải lương. Đặc biệt, có đến bốn nghệ sĩ (NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ, NS Quang Khải) thể hiện hình tượng nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong từng giai đoạn cuộc đời. Ngoài ra, vở diễn còn có sự tham gia của NSND Vương Hà, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Thu Trang, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NS Võ Minh Lâm…

Tái hiện cuộc đời nhạc sư Nguyễn Quang Đại trên sân khấu cải lương ảnh 1

Một cảnh trong vở cải lương "Thầy Ba Đợi".

Không nhiều tính thể nghiệm, nhưng vở cải lương "Thầy Ba Đợi" đã giới thiệu được những vẻ đẹp, giá trị của cải lương trong hằng trăm năm qua bằng sự mộc mạc, giản dị. Qua cuộc đời nhiều thăng trầm của "Thầy Ba Đợi", khán giả cảm nhận được lòng yêu nước, đặc biệt là tình yêu của ông dành cho nhạc tài tử, những giai điệu mang hồn dân tộc, trong bối cảnh đất nước bị xâm lược.

Ngoài hai buổi diễn vào ngày 28-5 và 1-5 tại Nhà hát Bến Thành, tối ngày 29-4 vở "Thầy Ba Đợi" sẽ được biểu diễn tại Long An - nơi có đền thờ Nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.