Sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch 2019

1. Thực hành hát Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biểu diễn hát Then, đàn Tính tại xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: HOÀNG MINH
Biểu diễn hát Then, đàn Tính tại xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: HOÀNG MINH

Ðây không chỉ là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc mà còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái ở nước ta. Từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc đều thể hiện bản sắc văn hóa của ba dân tộc, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và bảo vệ các phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Việc có thêm Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được ghi danh cho thấy sự phong phú của văn hóa dân tộc và nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đồng thời khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống dân tộc trong dòng chảy hội nhập.

2. Hội thảo khoa học toàn quốc "Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. 70 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích những vấn đề về lý luận; chỉ rõ bên cạnh những dấu ấn và kết quả tích cực đã đạt được, thời gian qua, tình hình phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò định hướng và thúc đẩy sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam. Từ những vấn đề đặt ra tại Hội thảo, Hội đồng đã kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Ðảng xem xét, ban hành chỉ thị mới về tiếp tục đẩy mạnh công tác phê bình văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.

3. Luật Thư viện chính thức được Quốc hội thông qua. Luật gồm sáu chương, 52 điều. Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện, nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

4. Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ ba tổ chức tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của các nhà thơ, nhà văn, dịch giả trong nước và gần 200 đại biểu văn nghệ sĩ đến từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kể từ Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ nhất (năm 2002) đến hội nghị lần này, Việt Nam đã có thêm nhiều tác phẩm văn học được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và được trân trọng đón nhận; nhiều tác phẩm nhận được tặng thưởng của các hội chợ sách quốc tế, nhà xuất bản, tổ chức văn học quốc gia; nhiều tạp chí văn học lớn trên thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam.

5. Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội thu hút sự tham gia của bảy đoàn nghệ thuật quốc tế: Hung-ga-ri, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hy Lạp, Hàn Quốc, Xin-ga-po, I-xra-en và 14 đơn vị nghệ thuật trong nước với 21 tác phẩm đặc sắc. Liên hoan mang đến nhiều sự tìm tòi, sáng tạo và đổi mới của sân khấu Việt Nam trong hội nhập quốc tế, từng bước phù hợp xu thế phát triển của sân khấu thế giới. Nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật Việt Nam gây ấn tượng với giới làm nghề và khán giả, được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, nhất là tính thử nghiệm, đồng thời gợi mở những hướng sáng tạo mới. Liên hoan ghi nhận bước phát triển mới của sân khấu Việt Nam với nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng.

6. Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á. Ðây là sự kiện mỹ thuật đặc biệt, lần đầu được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Hà Nội; với sự góp mặt của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có 81 tác phẩm của 27 nghệ sĩ tiêu biểu được giới thiệu, trong đó Việt Nam có các họa sĩ: Trần Lưu Hậu, Lê Quảng Hà, Ðặng Xuân Hòa, Ðỗ Hoàng Tường; các nhà điêu khắc: Tạ Quang Bạo, Khổng Ðỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Trần Văn An. Những tác phẩm trưng bày thuộc hai loại hình hội họa và điêu khắc; với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, mang đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ và đặc trưng nghệ thuật hội họa của mỗi quốc gia. Triển lãm hứa hẹn sự khởi đầu cho các hoạt động nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức nhằm kết nối, trao đổi nghệ thuật giữa các nước trong khu vực và thế giới.

7. Ðoàn thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc tại Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á SEA Games 30 - 2019, giành vị trí thứ hai toàn đoàn với 98 Huy chương vàng (HCV), 85 Huy chương bạc, 105 Huy chương đồng. Ðây là kỳ SEA Games thành công nhất của thể thao nước ta khi thể hiện sự vượt trội ở các môn thể thao trong hệ thống thi đấu Ô-lim-pích, không những hoàn thành chỉ tiêu mà còn vượt sâu về thành tích, lập một số kỷ lục đại hội. Trong đó, điền kinh, vật, cử tạ vẫn dẫn đầu; đội tuyển bơi tuy về thứ hai nhưng cũng đoạt tới 10 HCV. Nổi bật nhất là lần đầu trong lịch sử SEA Games, bóng đá nước ta đã lập "cú đúp" HCV: Ðội tuyển U22 Việt Nam giành HCV môn bóng đá nam sau nhiều năm chờ đợi và Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lập kỷ lục, trở thành đội bóng duy nhất trong lịch sử SEA Games lần thứ sáu đoạt ngôi vô địch. Những thành công nêu trên cho thấy sự đầu tư đúng hướng, tập trung vào các môn thể thao Ô-lim-pích; sự chung tay góp sức xã hội hóa đã và đang mang lại hiệu quả, qua đó khẳng định sự phát triển thực chất, bền vững và vị thế hàng đầu khu vực của thể thao nước ta.

8. Du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng du lịch toàn cầu, do tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng, gồm: Ðiểm đến hàng đầu châu Á, Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Ðiểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Ðiểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á - Thành phố Hội An. Ðáng chú ý, đây là lần đầu ẩm thực Việt Nam được vinh danh ở một giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới. Ðồng thời, năm 2019, Việt Nam cũng được trao giải thưởng Ðiểm đến hàng đầu thế giới về Di sản và Ðiểm đến Golf tốt nhất thế giới. Nhờ đó, ngành du lịch Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019 (tăng hơn 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng hơn 16%).

9. Phát hiện bãi cọc gỗ lim gần một nghìn năm tuổi, mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch Bạch Ðằng Giang, võ công hiển hách của quân và dân nhà Trần năm 1288. Một nhóm nhà khảo cổ, nhà khoa học đã khai quật bãi cọc gỗ cổ ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), nằm cạnh sông Ðá Bạc, một nhánh của sông Bạch Ðằng. Theo giám định ban đầu, đây có thể là một phần trận địa do Trần Hưng Ðạo bố trí để dồn quân địch vào trận cọc chính trên sông Bạch Ðằng, thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay. Phát hiện quan trọng mở ra các hướng nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ hơn không gian trận thủy chiến lừng danh thế giới đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông của quân và dân nhà Trần trên sông Bạch Ðằng năm 1288; từ đó cho thấy tài thao lược, nghệ thuật quân sự tài tình của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn.

10. Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2019 thu hút hơn 3.000 người tham gia đồng diễn. Ðây là lễ hội lần thứ sáu và được coi là Lễ hội Áo dài lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam, lễ hội góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa định kỳ, đặc trưng của thành phố. Có 26 nhà thiết kế đóng góp bộ sưu tập và 15 gương mặt đại sứ là những người nổi tiếng, có uy tín trên nhiều lĩnh vực xã hội tham gia lễ hội, đặc biệt là hơn 3.000 người dân đã đồng diễn áo dài, mang lại cho công chúng và du khách quốc tế những trải nghiệm ấn tượng, cảm xúc về nét đẹp văn hóa, tâm hồn con người Việt Nam.