Ra mắt bộ ba tiểu thuyết thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Minh Châu

NDO -

NDĐT- Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và hè 2020, NXB Văn học giới thiệu bộ ba tiểu thuyết thiếu nhi Từ giã tuổi thơ, Những ngày lưu lạc và Đảo đá kỳ lạ của nhà văn kháng chiến Nguyễn Minh Châu.

Bộ ba tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Bộ ba tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Đây là những sáng tác viết cho thiếu nhi về đề tài lịch sử, kháng chiến. Bộ sách kể về cuộc đời của chú bé Nến. Bố mẹ bị giặc giết hại, chú đi lưu lạc khắp nơi, về quê cũ, bị địch bắt đi phu, bắt ra đảo hoang. Dù ở nơi nào, chú bé Nến cũng giữ vững lòng yêu nước và luôn tìm cách tham gia vào hàng ngũ Cách mạng để góp sức tiêu diệt kẻ thù. Tập đầu Từ giã tuổi thơ cũng là tập giới thiệu về quê hương và gia đình chú bé Nến. Những ngày lưu lạc kể về những năm tháng rời xa quê hương của chú bé Nến sau khi mẹ bị giặc giết. Đảo đá kỳ lạ kể về quãng đời bị đi đày trên hòn đảo khai thác đá quý.

Chiến tranh luôn là phép thử đối với nhân cách một con người và những nhân vật thiếu nhi ở đây chính là linh hồn của tác phẩm này. Hình ảnh các em - những chiến sĩ nhỏ tuổi lớn lên từ một vùng quê bị bom đạn giày xéo nhưng đã bản lĩnh, kiên cường đứng lên chống quân xâm lược. Sự kiên cường, gan dạ của các em đã góp phần làm nên sức mạnh lớn lao của một dân tộc. Đó cũng chính là vẻ đẹp của thiếu nhi Việt Nam thời kỳ chiến tranh trong tiểu thuyết của Nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là tác giả có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đầu của đổi mới. Quê ông ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1954. Trong hơn ba mươi năm cầm bút ông đã để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu như Cửa sông (1966), Những vùng trời khác nhau (1970), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985)… Đặc biệt tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972) đã đưa ông lên vị trí những nhà văn tiêu biểu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1980 trở đi, ông bắt đầu khuynh hướng đổi mới trong văn học nghệ thuật thời kỳ sau chiến tranh.