Phục dựng ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi

NDO -

Ngày 24-11, tại thị xã Đông Triều, UBND thị xã Đông Triều chủ trì phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi họp báo về chuỗi sự kiện “Hành trình về miền Di sản - Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm” tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.

Phục dựng ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi

Tại buổi họp báo, ban tổ chức  thông tin về chương trình gồm các sự kiện sẽ được tổ chức gồm: Hội thảo “Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử"; Lễ rước tượng Phật Ngọc và khánh thành Dự án phục dựng chùa Quỳnh Lâm; Lễ dâng hương tưởng niệm 712 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và Động thổ, tu bổ và tôn tạo chùa Thượng - Ngọa Vân... Đây là chuỗi hoạt động lớn nhằm quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa của Khu di tích nhà Trần ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương.

Việc phục dựng ngôi chùa Quỳnh Lâm gần 1.000 năm tuổi, nơi từng có Tượng Phật Di lặc được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” vào thời Lý với ba tòa tiền đường, trung đường, hậu đường được phục dựng trên diện tích hơn 1.000 m2 bằng chất liệu gỗ lim theo kiến trúc truyền thống thời Lê sẽ giúp nhân dân và phật tử hình dung rõ hơn về ngôi chùa có bề dày gần 1.000 năm lịch sử, xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xưa.

 Việc phục dựng Chùa Quỳnh Lâm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhó công lao to lớn của các bậc tiền nhân, lịch Đại Tổ sư, Tam Tổ Trúc Lâm đối với đất nước và đạo pháp dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nhà Trần tại Đông Triều; Đặc biệt, lễ rước tượng Phật Ngọc Chùa Quỳnh Lâm nhằm tôn vinh, tri ân những công đức to lớn của Phật Tổ và Lịch Đại tổ sư Chùa Quỳnh Lâm đối với dân tộc và đạo pháp.

PGS, TS Lại Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, cho biết: Những hoạt động này không chỉ làm rõ hơn những giá trị lịch sử mà còn giúp địa phương hoạch định những chính sách để phát huy những tài nguyên văn hóa, lịch sử; Viện đã tổ chức hội thảo với khoảng 300 đại biểu tham gia. Trong đó có khoảng 100 các nhà nghiên cứu, khoa học. Ban tổ chức đã nhận được khoảng 70 bài viết của giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã viết những bài tham luận có giá trị. Chúng tôi hy vọng hội thảo sẽ giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết di sản của cha ông và còn có thể đưa ra những tư vấn về mặt chính sách để có thể bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị này để phát triển kinh tế địa phương.

Chuỗi sự kiện nhằm tôn vinh, tri ân những công đức to lớn của Tam tổ Trúc Lâm đối với đất nước và đạo pháp dân tộc, đồng thời phát huy những giá trị to lớn của Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều trong phát triển du lịch của địa phương, hưởng ứng chuỗi chương trình kích cầu du lịch của tỉnh những tháng cuối năm 2020.