Ðọc sách của Lê Văn Ba, nhớ về một kỷ niệm

Ðọc sách của Lê Văn Ba, nhớ về một kỷ niệm

Tôi công tác ở báo Nhân Dân nhưng Lê Văn Ba cũng như Tất Vinh, Nguyễn Trí Tình, Bùi Ngọc Tấn, Lê Thị Túy..., những bạn đồng nghiệp ở báo Tiền Phong cùng thời là những người tôi rất quý trọng, có người quen thân, nhưng có người chỉ "thích" qua các bài viết; vì đó là những tên tuổi làm nên tên tuổi Tiền Phong một thời. Cho nên có cuốn sách Phía sau Nghề báo, nhà báo của Lê Văn Ba dù đúng vào dịp đi công tác địa phương nhưng cũng phải mang theo đọc ngay trong nhà nghỉ, đọc xong trong một đêm, và sáng hôm sau giới thiệu ngay với một số bạn đồng nghiệp Quảng Ninh.

Chúng tôi là những nhà báo đã nghỉ hưu. Ba ít tuổi hơn tôi nhưng tôi vẫn theo dõi bước đi nghề nghiệp của anh vì chúng tôi vẫn viết báo. Không phải chuyện "phía sau" các bài báo nào của anh tôi đều không biết, nhưng bây giờ nghe anh kể lại để xem tôi chưa biết những gì cho nên phải đọc liền một mạch. Ðúng là, tuy tôi cũng có hiểu biết một phần phía sau các bài báo của anh nhưng không hiểu hết, nhất là nỗi vất vả của anh qua một số bài báo, vì hình như lúc còn làm việc anh ít nói ra hoặc chưa có không khí thuận lợi để nói ra.

Sách của Ba có thể coi như một thứ hồi ký kể kỹ lưỡng hơn một số sự kiện gian nan khi phải đương đầu với sự thật không ngọt ngào hay khi dùng ngòi bút tiếp sức cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Chắc rằng "phía sau" cuộc đời nghề nghiệp của anh không chỉ có thế, nhưng anh chỉ kể về những nỗi gian truân không kể về những thuận lợi, nhưng nói cho cùng thì vượt qua những nỗi gian truân mới đem lại những bài học sâu sắc về nghề nghiệp.

Lê Văn Ba bắt đầu nghề báo của mình khi là học sinh tham gia làm báo ủng hộ kháng chiến trong nội thành Hà Nội ở vùng bị địch tạm chiếm, vì thế mà bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò, ra tù lại tiếp tục làm báo bí mật. Khởi đầu làm báo như thế là thấm đẫm chất lý tưởng cao cả và chấp nhận gian nguy. Phải chăng sự khởi đầu đó đã hun đúc và rèn luyện ngòi bút chiến đấu "phò chính, trừ tà" với lòng tin mãnh liệt ở nhân dân, ở lẽ phải, giúp anh vượt qua những khó khăn.

Cuốn sách chỉ tập trung kể kỹ hơn về hai sự kiện báo chí mà anh trực tiếp tham gia: Ðó là tham gia biên tập cũng như hầu kiện chung quanh bài thơ Mùa xuân nhớ Bác đăng trên báo Tiền Phong đúng ngày kỷ niệm lần thứ 55 Ngày thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 25-3-1986, trước Ðại hội Ðảng lần thứ VI mở đầu thời kỳ đổi mới 9 tháng. Và bài báo Người đàn bà quỳ đăng trên báo Văn Nghệ ngày 7-12-1987 sau Ðại hội Ðảng lần thứ VI trong không khí cởi mở.

Chung quanh chuyện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác tôi cũng được chứng kiến; đó là sự kiện báo chí khá nổi bật vào lúc đó vì nó phản ảnh đúng hiện thực, bắt đúng mạch suy nghĩ của nhiều người trong đó có tôi, nhưng trong xã hội lại có những ý kiến khác nhau. Nhưng thú thật, lúc đó tôi không quan tâm bằng sự kiện thứ hai, vì liên quan tới công việc mình đang làm và cũng có phần hiểu biết.

Từ khi làm báo chuyên nghiệp, tôi được phân công theo dõi, viết bài ở mảng nông nghiệp, nông thôn  trên báo Nhân Dân. Cũng là người chịu khó đi cơ sở, cho nên cũng có chút hiểu biết tình hình nông thôn, cũng có chút đóng góp trong thời kỳ mở ra khoán 100, khoán 10, đổi mới trong nông nghiệp. Biết những gì là mới mẻ đang nảy nở đòi chuyển đổi, cũng biết những gì đang trì trệ, cản trở quyền làm chủ của nhân dân. Cũng biết rõ câu ca: "Mỗi người làm việc bằng hai/Ðể cho chủ nhiệm mua đài mua xe/Mỗi người làm việc bằng ba/Ðể cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân".

Cũng đã từng nêu lên cơ chế quản lý các hợp tác xã tạo nên một lớp người có quyền "nắm cái dạ dày" cộng với quyền hành chính để đe nẹt, áp bức nông dân, và cùng với Thái Duy ở báo Ðại Ðoàn kết cổ vũ phong trào "5 công khai" ở Tiền Hải, Thái Bình, hòng qua phong trào "công khai" đó mà đẩy lùi tiêu cực ở nông thôn. Nhưng sự hiểu biết của mỗi người thường có hạn, cho nên phải chăm chỉ đọc bài của bạn đồng nghiệp. Lúc đó báo chí rầm rộ cổ vũ cho các điển hình tiên tiến, viết về những chuyện tiêu cực thì rất ít; không phải vì trong thực tế ít tiêu cực mà vì không muốn đăng tải trong khi đất nước đang có chiến tranh và những ngày đầu hòa bình, thống nhất còn đầy khó khăn. Nhưng ai cũng muốn biết thực tế vì ai cũng thấy trong cuộc sống không chỉ có mầu hồng. Cho nên khi trên báo Văn Nghệ xuất hiện các phóng sự Cái đêm hôm ấy hôm gì của Phùng Gia Lộc, Người đàn bà quỳ của Trần Khắc (sau này tôi mới biết đó là bút danh của Lê Văn Ba) và Lời khai của bị can của Trần Huy Quang thì tôi cùng một số độc giả đọc rất kỹ, nhưng các bài của Phùng Gia Lộc và Lê Văn Ba là những bài tôi quan tâm hơn vì liên quan đến lĩnh vực nông thôn tôi đang theo dõi. Quan tâm khi đọc kỹ bài báo đã đành còn quan tâm theo dõi phản ứng của xã hội, của cấp có thẩm quyền đối với tác giả.

Trong bài báo, Lê Văn Ba cũng phải viết tránh tên xã, viết là Tiền Ðống nhưng khi miêu tả cụ thể câu chuyện, nêu tên người thì ai cũng biết anh đã nói lái cái tên xã Ðồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng (khi chưa chia tách), vì tên xã này đang rất nổi tiếng. Ðồng Tiến cũng là nơi tôi lui tới một vài lần vì đó là một trong hai thí điểm xây dựng hợp tác xã nông - công - thương - tín của Ban Nông nghiệp Trung ương.

Trong bài viết, Lê Văn Ba cũng chỉ tập trung phản ánh một chuyện bất bình của một nông dân, kiên trì khiếu kiện lên đến cấp cao nhất chuyện bất công khi xã lấy đất ở của họ nói là để xây dựng cụm cơ khí của hợp tác xã nhưng lại cấp cho họ hàng xây nhà (sao mà giống chuyện đất đai ở Ðồ Sơn hai mươi năm sau đến thế). Nhưng điều khó hiểu là vì sao chuyện chỉ động tới ba ông cán bộ xã mà bị phản ứng gay gắt đến thế?

Theo hiểu biết của tôi thì ở đây không có chuyện bao che cho họ hàng, thân thích gì, vì có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói với tôi: "Bảo vệ mấy cán bộ xã này là bảo vệ một chủ trương, một mô hình" cho nên họ làm rất quyết liệt. Bài báo phê phán mấy cán bộ xã thì Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy do đích thân trưởng ban về kiểm tra và ký thông báo "không có chuyện gì". Họ còn tổ chức Ðại hội đảng bộ bất thường và chỉ đạo để bầu cho mấy cán bộ đó 100% phiếu, dùng quân bài "dân chủ" để bác bỏ bài báo. Thế là Lê Văn Ba phải đối đầu trong thế "trứng chọi đá", nhưng anh không lùi, tiếp tục đưa ra những chứng cứ để đấu tranh, bảo vệ chân lý, bảo vệ người dân.

Khi miêu tả những hành vi tai quái, ngang ngược của  mấy cán bộ xã như bố trí cướp tài liệu người đi kiện, mua chuộc, uy hiếp thậm chí đánh người tố cáo, anh đã mạnh mẽ chỉ ra đó là bọn "cường hào mới" ở nông thôn - là một khái niệm mới gây sốc khá mạnh.

Trong một hội nghị quan trọng ở Hội trường số 10 Nguyễn Cảnh  Chân, có những ý kiến khác nhau về nhận định này, nhưng tôi công khai ủng hộ; khi nghỉ giải lao có một đồng chí cấp trên đến vỗ vai tôi nói:  "Không nên nhận định là cường hào mới, nói như thế là bôi nhọ, làm nản lòng cán bộ cơ sở". Tôi trả lời: "Không vơ đũa cả nắm  nhưng  số  người  lạm  quyền  ức  hiếp dân cũng không ít".

Tuy nói thế nhưng cũng thấy giật mình vì người góp ý kiến với tôi là người đang được phân công phụ trách nông nghiệp của Ðảng. Thế rồi tôi cũng bị nhận xét là "bốc đồng".

Ngay bảy năm sau, khi là đại biểu Quốc hội, tôi phát biểu công khai tại Hội trường Ba Ðình trong khóa IX, biểu dương ba bài phóng sự đã nêu ở trên để nói lên sự đóng góp của báo chí trong thời kỳ đổi mới, trong đấu tranh chống tiêu cực, thì khi nghỉ giải lao, một vị khách mời cũng đến vỗ vai, nhắc nhở tôi: "Cậu lại bốc đồng rồi!". Tôi không nói gì nhưng lặng lẽ tỏ thái độ dứt khoát trong trả lời phỏng vấn báo chí và in vào sách. Kể lại mấy chuyện đó để thấy, ngay là người ngoài cuộc, chỉ tỏ thái độ ủng hộ mà cũng gặp khó khăn như thế để thông cảm với tác giả.

Lê Văn Ba đã tâm sự trong sách, đại ý: Tham gia cuộc đấu tranh này có ba cái mất: mất thời giờ, công sức; mất một số bạn bè và một số quan hệ; mất sự yên ổn, nhưng anh vẫn dùng ngòi bút của mình tiếp tục đấu tranh vì "trách nhiệm trước công chúng của nhà báo". Nhưng đương đầu trong đấu tranh lại không dễ dàng gì cho nên anh rút ra kinh nghiệm "tự cứu mình bằng hai cách: cái tâm trong sáng và tài liệu thật chính xác". Không có tấm lòng ngay thẳng, vô tư mà viết vì sự hiềm thù, ghen ghét... thì sẽ dẫn cuộc đấu tranh đi lạc hướng. Nhưng cuộc đấu tranh nào thì cũng chịu sự phản ứng gay gắt từ nhiều phía do những động cơ khác nhau, cho nên phải có chứng cứ đầy đủ, chính xác thì mới thành công, thậm chí không bị phạm tội vu cáo.

Ðọc những dòng này và những cuộc đối thoại với một số nhà báo trẻ ghi lại trong sách, tôi có cảm giác anh đang truyền đạt kinh nghiệm viết phóng sự điều tra chống tiêu cực cho các bạn đồng nghiệp. Kinh nghiệm của mỗi nhà báo là kinh nghiệm riêng và cụ thể, nhưng không có cái cụ thể và riêng của nhiều nhà báo thì làm sao có thể có được kinh nghiệm phong phú của báo chí Việt Nam.

21-6-2007