Nỗ lực vì người viết trẻ Thủ đô

NDO -

NDĐT - Sáng 13-11, Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ III được tổ chức tại Ninh Bình. Nhiều nỗi trăn trở của người viết trẻ được nêu ra, song vẫn thiếu những giải pháp thiết thực được kiến nghị, đưa ra bàn thảo. Hơn lúc nào hết, người viết trẻ rất cần sự chung tay để phát triển tài năng, sáng tạo, vì sự phát triển văn hóa Thủ đô.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Còn nhiều trăn trở

Qua khảo sát, số lượng tác giả sinh từ năm 1980 trở về sau, sáng tác thể loại thơ, văn đã có tác phẩm in thành sách và đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước, Hà Nội vẫn được xếp vào tốp đầu. Trong đó phải kể đến những cái tên quen thuộc như: Vi Thùy Linh, Đào Quốc Minh, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Quang Hưng, Vân Anh, Nguyễn Việt Anh, Lữ Mai, Khúc Hồng Thiện, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Ngô Gia Thiên An… và nhiều tác giả khác mà chúng tôi không thể liệt kê hết. Song thực tế, sự dấn thân và nổi trội chưa nhiều.

Năm 2015, Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ II được tổ chức cách lần thứ nhất… 22 năm. Một số ý tưởng được nêu ra rồi cũng chủ yếu nằm… trong sự tưởng tượng. Hội Nhà văn Hà Nội chưa có nhiều hoạt động đủ sức kích thích sự sáng tạo. Lực lượng sáng tác vẫn chủ yếu ai đi đường người ấy bằng sự cố gắng cá nhân.

Đến với Hội nghị, tác giả trẻ Nhật Phi lo lắng khi ngày nay các phương tiện truyền thông lấn lướt văn chương, văn chương trẻ mất bạn đọc, đặc biệt là những người đang cố gắng làm mới mình càng bị… bỏ lại. Nhật Phi chia sẻ: “Chúng tôi gần như chỉ lủi thủi chơi trong khoảnh sân con con của mình. Trong khi vẫn đi dạy, vẫn làm báo, làm xuất bản… hay những việc lặt vặt khác để mưu sinh, chỉ chờ một vài kỳ, cuộc để cảm thấy mình được chia sẻ và có giá trị”.

Còn tác giả Đặng Thiên Sơn nhấn mạnh: “Bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi. Giá như có nhiều giải thưởng hơn cho văn trẻ, các nhà xuất bản, các công ty sách mặn mà hơn với tác phẩm của họ, để họ có thể sống được bằng nghề viết thì chắc chắn là sẽ có những tác phẩm hay”.

Đặng Thiên Sơn cũng dẫn ra, việc in ấn, xuất bản, truyền thông thơ trong những năm gần đây cũng được các tác giả chú tâm. Nếu như trước đây việc in thơ, xuất bản thơ do Nhà nước, hoặc các hội chuyên ngành hỗ trợ thì các tác phẩm của các tác giả trẻ hôm nay chủ yếu là phải tự mình in lấy. Thị trường thơ ế ẩm, người đọc không mấy mặn mà với thơ.

Một vấn đề khác, nhìn vào thực tế của nền văn học Thủ đô, giữa các nhà văn, nhất là các tác giả trẻ vẫn chưa thực sự gắn kết với nhau, tạo nên một cộng đồng sáng tác văn học. Điều này khiến cho mạnh ai nấy làm, nhiều tác giả trẻ sau khi tác phẩm ra đời thấy lạc lõng, không có những sẻ chia.

Cần hỗ trợ để đột phá

Sáng tạo nghệ thuật luôn là hành trình gian nan. Người viết trẻ đang bị thử thách, đang bị cân đong đo đếm và đang bị đặt lên vai rất nhiều áp lực. Họ cần một bệ phóng, ít nhất họ cần điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển tài năng, chứng tỏ khả năng sáng tạo văn chương và gắn bó lâu bền với nghề viết.

Nhiều tác giả cho rằng, phê bình và sự động viên của các nhà văn đi trước với đội ngũ sáng tác trẻ là hết sức cần thiết. Vì qua những nhận xét và động viên ấy giúp họ tìm ra được những điểm mạnh, yếu và hơn nữa họ cảm thấy tác phẩm của mình được ghi nhận phần nào. Họ cũng bớt mặc cảm và dấn thân với yêu thích của mình… Tác giả Nguyệt Chu, cây bút sinh sống ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), được đánh giá khá cao về các truyện ngắn viết về đề tài lịch sử, kiến nghị: “Cần tổ chức nhiều hơn cuộc thi sáng tác văn trẻ và trao giải thưởng cao, chấm nghiêm túc. Qua đó thu hút nhiều người quan tâm đến văn học”.

Trong kế hoạch hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội trong nhiệm kỳ 2016-2020 đã cố gắng xây dựng đề án tổ chức Hội nghị nhà văn trẻ Hà Nội lần thứ III. Mục đích trước tiên là thúc đẩy sự sáng tạo nơi người cầm bút, nâng cao chất lượng sáng tác văn học góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại nói chung và phát hiện, bồi dưỡng những cây bút mới cho văn học Hà Nội nói riêng.

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến, cho hay: “Thông qua Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần này, hội thảo văn học với sự tham gia của các tác giả trẻ cùng với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lớp trước sẽ góp phần nhận diện, định hướng và khắc phục những khiếm khuyết, thiếu hụt… của văn học trẻ nói trên”.

Mới đây Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết định thành lập câu lạc bộ Văn học trẻ nhằm tạo một sân chơi văn chương cùng các cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ giữa những người viết văn trẻ của Thủ đô với sự tham gia tự nguyện của những người viết trẻ với mục đích cao nhất là thúc đẩy sự sáng tạo nơi người cầm bút, nâng cao chất lượng sáng tác văn học nói chung và phát hiện, bồi dưỡng những cây bút mới cho văn học trẻ Thủ đô nói riêng. Hy vọng với Hội nghị viết văn trẻ lần thứ III, sẽ có những giải pháp đột phá, hỗ trợ người viết trẻ sáng tạo.