Những người “tiếp sức” cho nghề làm gốm Hương Canh

NDO -

NDĐT- Những ngày giáp Tết, tôi may mắn được gặp gia đình nghệ nhân Giang Thị Nhạn, những người còn nặng lòng với gốm Hương Canh, nơi được thiên nhiên ưu ái, ban tặng chất đất dẻo, có nhiều màu như xám, nâu, vàng… thích hợp cho việc làm gốm.

Nghệ nhân Giang Thị Nhạn đã 50 theo nghề làm gốm ở thị trấn Hương Canh.
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn đã 50 theo nghề làm gốm ở thị trấn Hương Canh.

Vượt qua thời gian, trải qua bao thăng trầm, phần lớn những người con Hương Canh đã chuyển sang làm ngói, nghề làm gốm đã dần bị mai một. Song, với những nghệ nhân hằng ngày vẫn miệt mài cùng công việc làm gốm như gia đình bà Giang Thị Nhạn, ở thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) luôn mang tâm niệm rằng: “Nghề truyền thống nhất định phải giữ, không chỉ vì tình yêu, mà còn bởi một phần muốn truyền nghề cho lớp trẻ, với hy vọng nâng tầm giá trị của sản phẩm địa phương”.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân Hương Canh nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào, có độ mịn và theo lời nghệ nhân Giang Thị Nhạn đã gắn bó với nghề 50 năm nói “chất đất Hương Canh nhiều thịt, gõ kêu như chuông đồng”, dẻo rất thích hợp để làm đồ gốm, cùng với việc không chỉ hay làm mà còn phải cần cù, có tính sáng tạo, nên 300 năm nay, nghề gốm đã gắn bó mật thiết với đất và người dân Hương Canh.

Những người “tiếp sức” cho nghề làm gốm Hương Canh ảnh 1

Sản phẩm gốm Hương Canh với màu nâu cháy đặc trưng.

Sản phẩm gốm Hương Canh chỉ là gốm thô. Điểm nổi bật của gốm sành Hương Canh là được sử dụng chính đất ruộng tại quê hương, có sẵn men, thành phần oxit sắt tự nhiên cũng nhiều hơn đất ở vùng khác, vì vậy, khi nung ra sản phẩm tạo nên màu nâu cháy đặc trưng cũng như có độ óng nhất định. Khác hẳn gốm Phù Lãng và Thổ Hà, gốm sành Hương Canh chỉ dùng cho người Việt Nam để làm đồ dân dụng như: Chum, chĩnh, vại, ấm, trõ đồ xôi… gắn bó với đời sống người dân ở vùng đồng bằng sông Hồng. Nếu để trà vào trong lọ gốm thì trà không bao giờ mốc mà giữ nguyên mùi thơm. Rượu để trong chĩnh gốm thì không bay mùi hay giảm nồng độ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề, nghệ nhân Giang Thị Nhạn chia sẻ: “Cái nghề đã ngấm vào máu, gắn với nghiệp của đời mình rồi, một ngày không nhìn thấy lò, không được tự tay làm ra những sản phẩm mà mình tâm huyết là tôi đã thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi vậy, có lẽ, tôi sẽ làm cho tới khi không còn trên cõi đời này nữa mới thôi”.

Nghệ nhân Giang Thị Nhạn bắt đầu với nghề từ khi 17 tuổi. Được học nghề tại Hợp tác xã thủ công Tam Đồng - nơi tập hợp những người con của Hương Canh theo nghề gốm truyền thống để sản xuất tập trung, có quy mô và chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, do một số yếu tố tác động, Hợp tác xã sau đó gặp nhiều khó khăn và bị giải thể, người dân Hương Canh chuyển từ sản xuất đồ gốm sang sản xuất ngói để làm kế mưu sinh. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, bà Nhạn vẫn quyết định mở xưởng nghề để “tiếp lửa” cho gốm truyền thống của quê hương. Đến nay, gia đình có hai xưởng chính, một xưởng chuyên làm đồ dân dụng, xưởng còn lại chế tạo sản phẩm gốm nghệ thuật, điêu khắc… đã có thể được sử dụng làm đồ trang trí gia đình.

Những người “tiếp sức” cho nghề làm gốm Hương Canh ảnh 2

Bàn tay khéo léo ấy đã làm nên biết bao sản phẩm gốm sành chất lượng.

Chia sẻ với tôi về đất sử dụng tạo ra sản phẩm, bà Nhạn nói: “Đất phải được lấy từ đầu năm, để qua một khoảng thời gian nhất định mới được đem đi sản xuất, vì nếu làm khi đất còn tươi, nung ra đồ sẽ có khả năng bị nứt, vỡ”.

Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những ngôi làng cổ nhất tỉnh Vĩnh Phú, đã nổi danh là nơi có nghề gốm phát triển, vẫn luôn được những thế hệ tương lai gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của làng nghề trong cuộc sống hiện đại.

Đứng trước nghề thủ công truyền thống đang ngày bị mai một, những nghệ nhân yêu nghề muốn phục dựng lại nghề truyền thống nhằm gìn giữ nét văn hóa, nghệ thuật tinh hoa của cha ông để lại đã không quản khó khăn, vất vả từng bước khôi phục lại nghề gốm của địa phương.

Hiện nay, ở Hương Canh có anh Nguyễn Hồng Quang - con trai bà Nhạn, đồng thời là chủ cơ sở sản xuất gốm nghệ thuật Quang Đức, cũng như bao thế hệ sinh ra và lớn lên tại làng nghề, từ nhỏ anh đã quen với mùi bùn đất, với khói đốt lò…

Đã qua ba đời làm gốm, anh Nguyễn Hồng Quang là người duy nhất được đào tạo bài bản trong ngành gốm hiện đại. Anh Quang cho biết: “Là người con của làng gốm sành Hương Canh, bản thân tôi nhận ra rằng, trách nhiệm của mình là phải nâng tầm giá trị gốm nghệ thuật, mang sản phẩm đi khắp thế giới”.

Những người “tiếp sức” cho nghề làm gốm Hương Canh ảnh 3

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang.

Với quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, cùng với sự kiên trì học về gốm, anh Quang đã có thêm nhiều kiến thức về gốm nghệ thuật và nhận ra rằng, để thành công nhất định phải sáng tạo. Anh quyết định mở xưởng gốm ngay tại quê hương. Khi sản phẩm chủ lực của gia đình có đầu ra ổn định, với kiến thức có được cùng kinh nghiệm của gia đình ba đời làm nghề gốm và sự ủng hộ của gia đình, năm 2011, anh Quang chuyển đổi lò đốt thủ công sang lò đốt bằng gas, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nung được nhiều sản phẩm cùng lúc, tuy nhiên, không cho ra sản phẩm đồng màu với lò thủ công.

Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, anh Quang đã biến hóa đất quê hương thành những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... thẩm mỹ cao, bắt mắt, nâng tầm giá trị cho sản phẩm gốm truyền thống của quê hương; để sản phẩm được sử dụng làm vật trang trí nội thất nhà ở, khách sạn, vườn tược…

Anh Quang dự định trong tương lai sẽ thay đổi mẫu mã và nhân rộng mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình khác, tạo nên những sản phẩm đồng bộ đạt chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Anh cũng tin rằng, ngọn lửa truyền thống của làng nghề gốm Hương Canh sẽ luôn sáng và những sản phẩm gốm chất lượng cao mang thương hiệu Hương Canh sẽ đi khắp muôn phương, đến với những người yêu thích gốm trong và ngoài nước.