Nhiều hoạt động vui Trung thu tại khu phố cổ Hà Nội

Bước vào mùa Tết Trung thu truyền thống 2019, tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật và vui chơi dành cho thiếu nhi được tổ chức tưng bừng. Hoạt động này mang đến cho các em những sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa truyền thống.

Không gian Tết Trung thu truyền thống được tái hiện tại đình Kim Ngân, Hà Nội.
Không gian Tết Trung thu truyền thống được tái hiện tại đình Kim Ngân, Hà Nội.

Trung thu năm nay, các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội đều dành không gian trưng bày, tái hiện Tết Trung thu truyền thống với các trò chơi như đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân, đèn ông sao, ông tiến sĩ, diều giấy, tàu thủy làm bằng sắt tây, lẵng con giống bằng bông… Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh để các em nhỏ có cơ hội tương tác, tìm hiểu về những giá trị truyền thống và ý nghĩa tốt đẹp của Tết Trung thu... Sự tham gia của nhiều nghệ nhân, thợ thủ công đến từ các làng nghề truyền thống… góp phần mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho các em nhỏ.

Từ đầu tháng chín, trên nhiều phố đã xuất hiện các đội múa lân, rồng với tiếng trống thập thùng, tạo nên không khí Trung thu vui tươi, rộn rã. Không chỉ đưa trẻ đi mua đồ chơi, năm nay, các bậc cha mẹ còn đưa con đến các điểm di tích như không gian bích họa phố Phùng Hưng, đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), ngôi nhà di sản (87 Mã Mây), Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Ðào Duy Từ)… để trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống. Ðược trang trí hàng trăm chiếc đèn lồng, phố bích họa Phùng Hưng lung linh ánh đèn tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan, tham dự các hoạt động. Bên cạnh các gian hàng giới thiệu về đồ chơi Trung thu truyền thống, các nghệ nhân, thợ thủ công trực tiếp tham gia hướng dẫn các em nhỏ cách làm đồ chơi như vẽ mặt nạ, vẽ đèn tre, làm bưu thiếp, vẽ trên giấy dó, làm đèn con thỏ, làm đèn kéo quân, tàu thủy bằng sắt tây...

Nằm trên con phố Mã Mây tấp nập khách du lịch, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây trang trí đèn ông sao nhiều màu sắc. Tại tầng một, không gian tái hiện Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội, mâm cỗ đêm rằm với các món ăn đúng mùa như hồng, thị, cốm, na, bưởi, bánh dẻo, bánh nướng… đầu sư tử, đèn ông sao, tò he… thu hút các em nhỏ. Tại đây còn giới thiệu, trưng bày bộ ảnh Trung thu phố cổ đầu thế kỷ 20 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các em. Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (Ðào Duy Từ), Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Làng nghề Việt đã thiết kế một không gian trưng bày, tương tác với các sản phẩm đồ chơi truyền thống từ các làng nghề. Các loại hình đồ chơi dân gian được các họa sĩ sắp đặt thành không gian văn hóa đầy sáng tạo. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, các bạn nhỏ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ giấy bồi, làm ông đánh gậy trông trăng, làm bánh dẻo, trải nghiệm in và tô tranh dân gian Ðông Hồ, sáng tạo quà lưu niệm từ giấy tái chế… Không chỉ thu hút các em nhỏ mà ngay cả người già, người trung niên khi đến tham quan cũng cảm thấy bồi hồi nhớ lại không khí Trung thu xưa. Bên cạnh đó, trong những ngày lễ hội Trung thu, nhiều trò chơi dân gian như ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, cà kheo, bịt mắt bắt dê… diễn ra, mang lại một không gian vui chơi cho thiếu nhi. Ở nhiều điểm trong tuyến phố đi bộ biểu diễn trống Ðọi Tam, trống quân, diễn rối cạn của làng Tế Tiêu, huyện Mỹ Ðức…

Sự xuất hiện trở lại của nhiều trò chơi dân gian và sự tham gia của các nghệ nhân cũng như những người có tâm huyết mong giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc… khiến Tết Trung thu của các em nhỏ thêm ý nghĩa, góp phần giúp các em hiểu đầy đủ hơn về Tết Trung thu. Sự tham gia các hoạt động gắn kết cộng đồng không chỉ bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống… mà còn góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.