Nhiều hoạt động chào xuân tháng 3 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

NDO -

Tháng 3, nhân các ngày kỷ niệm: Quốc tế phụ nữ 8-3, Quốc tế hạnh phúc 20-3, thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26-3. Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động với chủ đề “Mùa xuân nho nhỏ”, diễn ra từ ngày 1 đến  31-3.

Du khách tham gia hoạt động cùng bà con tại Làng.
Du khách tham gia hoạt động cùng bà con tại Làng.

Có gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) từ 12 địa phương tham gia các hoạt động trong tháng 3, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Riêng trong hai ngày 6 và 7-3, khoảng 15 nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La và 30 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc được huy động cho chương trình.

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý dự kiến hai phương án. Phương án 1 gồm các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch Covid-19. Theo đó, nếu trong tháng 3, dịch Covid- 19 bùng phát trên địa bàn Hà Nội nhưng vẫn được kiểm soát, các hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày sẽ được tăng cường, hạn chế tập trung đông người, đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.

Phương án 2, nếu trong tháng 3, dịch bệnh được khống chế bảo đảm an toàn, các hoạt động đông người được tổ chức bình thường, chương trình sẽ diễn ra đầy đủ theo kế hoạch, tăng cường các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Chương trình tháng 3 “Mùa xuân nho nhỏ” gồm các hoạt động như: sự kiện Biển đảo quê hương tại “Ngôi nhà chung”, với trưng bày Không gian biển đảo, hoàn thiện 21 phiến đá chủ quyền quần đảo Trường Sa, vận động các tổ chức, cá nhân tặng tư liệu về Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; chương trình ca múa nhạc “Tình ca từ biển”, hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản mường” với chương trình giao lưu “Tiếng hát mùa Ban” gồm nghệ thuật tổng hợp, giới thiệu ẩm thực từ hoa ban và vẻ đẹp hoa ban qua hình ảnh người con gái Thái, giới thiệu du lịch Sơn La…

Ngoài ra, cuối tuần còn có các hoạt động như chương trình nghệ thuật “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”, tái hiện nghi thức cộng đồng “Buôn làng vào hội” của các làng dân tộc Tây Nguyên tại “Ngôi nhà chung” ngày 28-3.

Ngoài ra, tại Làng còn có các hoạt động giới thiệu nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa ẩm thực, thưởng thức các món ăn đặc sắc, tìm hiểu nghề truyền thống của các dân tộc và chương trình du lịch homestay trải nghiệm nhà của người Mường.