Người mê… xương rồng ở miền Tây Nam Bộ

NDO -

Miền tây là vựa lúa, là vùng cây ăn trái, hoa kiểng nhưng ông Phạm Phúc Giác lại có đam mê khác người: mê xương rồng, loài cây xù xì đầy gai nhọn.

Vườn xương rồng của ông Giác đủ chủng loại.
Vườn xương rồng của ông Giác đủ chủng loại.

Thị trấn Cái Dầu, huyện Châu, An Giang là trấn lỵ nhỏ của tỉnh nhưng vườn hoa của ông Giác với đủ chủng loại xương rồng luôn thu hút những người có đam mê trong cả nước.   Trong khu đất rộng gần 1.000 m2, ông Giác trồng, trưng đủ loại xương rồng nguồn gốc trong và ngoài nước. Có cây nhỏ như bàn tay, có cây to bè, có cây thấp lè tè, có cây cao lênh khênh hơn 3m…Mỗi cây với hình dáng, sắc màu đa dạng làm vườn hoa thêm lấp lánh.

Ông Giác năm nay 58 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm gắn bó với cây xương rồng, năm 17 tuổi, do yêu thích loài cây xù xì gai nhọn này nên ông tập tành sưu tầm tạo thú vui riêng. Nhưng trấn lỵ nhỏ bé quá nên không có nhiều người chơi loài cây kiểng kén người này. Nhiều người chơi hoa kiểng khuyên nhủ ông, xương rồng chỉ mọc ở vùng sa mạc, hoang mạc, vùng đất đai khô cằn nên mua hay xin chúng về trồng vùng sông nước như An Giang thì vài ngày là chết. Lúc đó, ông Giác không nản lòng bỏ cuộc vì ông tin rằng cây xương rồng gai góc nên sức sống mãnh liệt. Lúc đó, sách báo hạn chế nên ông tự tìm tòi đặc tính từng loại cây, rút dần kinh nghiệm với các loài đã bị khô héo chết hay kém phát triển. Và rồi biết ở đâu có xương rồng ông Giác đều tìm đến xin hay mua cho bằng được.  

Ông Giác kể, hồi xưa đi lại khó khăn, đò sông cách trở nên mua được cây xương rồng vui lắm nhưng chở về nhà là cả vấn đề.  Nhiều cây xương rồng ông chở về nhà trên quãng đường dài bằng xe gắn máy chấp nhận bị gai xương rồng đâm vào lưng, vào người đổ máu.

Ông Phúc Giác cho biết, hoa lan thì quý phái, cây kiểng thì sang trọng, còn xương rồng nhìn cứng rắn nhưng ai đam mê loài cây này mới thấm thía chúng khó chăm sóc so với các loài hoa kiểng. Ông nói, thấy chúng là loại cây có gai nhọn, hình dáng xù xì nên nghĩ rằng dễ trồng là sai lầm.

Mỗi loài cây cảnh, hoa kiểng đều có cách chăm sóc riêng, chăm sóc bê trễ hay không đúng cách hoa nở không đẹp hay tàn tạ chết và xương rồng cũng không ngoại lệ. Thân xương rồng kén nước nên khi tưới phải tưới lượng nước thích hợp, tùy theo loại cây sinh trưởng ở vùng Nam Mỹ, châu Mỹ mà cách tưới khác nhau, có khi pha loãng hóa chất vào nước để có độ mặn thích hợp cây mới hấp thu nước được. Ngoài ra, trời mưa phải chăm sóc cây ra sao, mùa hè và mùa đông phải chăm sóc chúng thế nào, nếu không chúng thối rễ chết dần.

Người mê… xương rồng ở miền tây -0
 Ông Giác giới thiệu cây xương rồng với một bạn trẻ đang nghiên cứu loài cây này.

Khi tập tành chơi loài cây xương rồng, ông Giác biết rằng sẽ gắn bó cả đời với chúng, khó đam mê loài hoa kiểng nào khác. Yêu cây, xem chúng như con nên dần dà ông hiểu rõ tính nết của từng loài xương rồng. Ban đầu, vườn xương rồng chỉ vài chục chủng loại thì nay cả lên đến mấy chục nghìn cá thể với hơn một trăm loài đến từ các quốc gia khác nhau.

Từ tỉnh lẻ, tên tuổi ông Giác mê xương rồng đã được bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Năm 2004, các cán bộ Vương quốc gia Ba Vì, Hà Nội biết ông là người sành xương rồng nên đến tận nhà mời ông làm kỹ thuật viên trồng và phát triển cây xương rồng trong nhà kính trong khuôn viên vườn quốc gia. Đấy là một đề nghị hấp dẫn nên ông Giác nhận lời vì thú đam mê. Vườn xương rồng phát triển tốt nên năm 2007 ông Giác đã được ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bây giờ, vườn xương rồng của ông Giác trở thành điểm đến của các đoàn khách, sinh viên nghiên cứu đa dạng xương rồng. Những ai mê loài cây này chưa rõ tập tính của chúng hay ai đã chơi lâu nhưng chưa nắm hết kỹ thuật săn sóc, lai tạo cây con ra sao hỏi ông Giác điều giải đáp mạch lạc. Thế nên, nhiều người chơi xương rồng đã gọi ông Giác pho là “từ điển sống xương rồng”.

Ông Giác đổ máu vì trót mê loài cây không giống ai nhưng từ loài cây này ông đã gặt hái được danh tiếng cùng uy tín. Xuyên suốt nhiều năm trời ông lãnh được nhiều giải thưởng khi dự thi, triển lãm xương rồng, được gọi là nghệ nhân...

Ông Giác vui miệng kể: “Từ một loài cây xù xì, gai góc và khô khan, đến nay, nhiều người đã đam mê xương rồng. Nhiều khu du lịch, doanh nghiệp đã mời tôi làm kỹ thuật viên thiết kế khu vườn nhà kính cây xương rồng với đủ chủng loại”. Ông Giác nói, ở châu Mỹ cây xương rồng có nhiều giá trị và đắt tiền nên bị trộm cắp đào trộm bán cho người có tiền. Có người hỏi ông sao thấy cây gai góc quá không nho nhã, dịu dàng so với các loài hoa kiểng khác nên sao gọi là đẹp được! Ông giải thích, mỗi người có đam mê khác nhau, đối với người mê xương rồng thì người chơi mê cây từ kiểu dáng, hoa nở, gai góc chìa ra như thế nào nên để định chuẩn loài xương rồng nào đẹp rất khó. Thế nên những lúc mệt nhọc, buồn bực ông lại dạo bước trong vườn xương rồng ngắm nhìn xương rồng mạng nhện, xương rồng chân nôm, xương rồng trúc ngọc, xương rồng lưỡi quỹ, xương rồng thê lô, xương rồng tầng mây xanh... nở hoa, trổ gai thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến...