Nghệ sĩ với cảm xúc về mùa xuân và đất nước

NDO -

NDĐT - Những nghệ sĩ lớn đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, từng đi qua những chặng đường gian khó nhất của đất nước - họ càng thấm thía hơn ý nghĩa của hạnh phúc ngày hôm nay. Và dù ở bất cứ lĩnh vực nào, họ vẫn không ngừng lao động, cống hiến với một tâm thế, con người phải luôn vận động và chuyển mình. Nhân dịp đầu Xuân mới, chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, họ đã có chút trải lòng hồi tưởng cùng chúng tôi…

NSND Tạ Quang Bạo.
NSND Tạ Quang Bạo.

1. NSND Tạ Quang Bạo: Được sống cùng những thăng trầm của đất nước là hạnh phúc của người nghệ sĩ

Năm đó tôi 25-26 tuổi, là sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp đi ra chiến trường theo lệnh tổng động viên, làm họa sĩ của đoàn văn công Quân khu 5 vượt Trường Sơn vào chiến trường. Ngày đó tuổi trẻ háo hức, trong sáng, luôn nghĩ về đất nước bằng tình yêu trong sáng. Thế hệ chúng tôi đọc rất nhiều văn học Nga, các tác phẩm như “Thép đã tôi thế đấy”, “Đaghestan của tôi”…, vì thế đi chiến trường rất háo hức, nhiệt thành, không hề nghĩ đến cái chết. Tôi hành quân vào Quân khu 5 và đầu tiên là đi ký họa mặt trận. Rất tiếc, những bức ký họa tôi không giữ lại được. Tôi có hai tác phẩm trưng bày ở bảo tàng đều được sáng tác giữa rừng. Đó là tác phẩm điêu khắc “Học chữ Bác Hồ” bằng gỗ, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật, sáng tác giữa rừng Quảng Nam năm 1973, xung quanh là bom đạn. Tác phẩm thứ hai là “Cõng đạn” hiện Bảo tàng Quân khu 5 giữ.

Ngoài tra tôi còn phác thảo làm trong rừng “Mẹ Trường Sơn”. Ở giữa rừng, chung quanh là bom đạn nhưng tôi không nghĩ đến cái chết, cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện ra bắc. Khi đoàn văn công được ra, tôi xin ở lại chiến trường để tiếp tục sáng tác. Tuổi trẻ và tình yêu nghề, sự nhiệt huyết đã khiến chúng tôi không biết sợ, dù đói rét, nguy hiểm. Đoàn ở lại chỉ có ba anh em, một anh người dân tộc thiểu số, một anh người Thanh Hóa và tôi, giữa chiến trường vẫn sinh hoạt Đảng và báo cáo về Tổng cục. Hồi đó con người chân thực, hiền hòa, thật thà, không đòi hỏi. Tôi muốn ở lại để chứng kiến cuộc chiến tranh vì với người nghệ sĩ, đó là chất liệu để sáng tạo. Tôi ở chiến trường cho đến ngày giải phóng năm 1975, về đến thành phố rồi mà vẫn lâng lâng vì không nghĩ mình đã được trở về.

Tôi nghĩ, tuổi trẻ được chứng kiến một giai đoạn lịch sử, có hy sinh mất mát, nhưng với tôi là những khoảng khắc quý giá vì chiến tranh và lịch sử sẽ đi qua, mình là người trong cuộc, được sống cùng những thăng trầm của đất nước. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Có thể sau này, tôi không sáng tác về đề tài chiến tranh nữa nhưng trong tôi vẫn luôn tràn đầy những cảm xúc và suy nghĩ về đất nước. Tôi đi dọc chiều dài của đất nước, dọc dãy Trường Sơn, nhìn đâu cũng thấy đất nước mình đẹp vô cùng. Trong cái không may của cuộc chiến lại có cái may, tôi được trải nghiệm cuộc chiến tranh, thấy tâm hồn của con người trong cuộc chiến rất đẹp. Không có những bon chen, cơ hội. Điều lớn lao nhất là tình người, họ sống với nhau chân chất, mộc mạc, tất cả những điều tốt đẹp đang diễn ra, đó là sức sống của dân tộc được giữ lại trong tâm hồn và trở thành cảm hứng cho những sáng tác của tôi. Chỉ với một cái cưa cá mập và một bộ dao trổ và một cái đục vuông mà tôi đã làm được một số tác phẩm. Làm xong, lấy dây cột ngâm dưới lòng suối. Lúc quay về, chả còn ai, một mình tôi kéo từ dưới suối lên, kéo ra đường tuyến gặp ô-tô chở về Đà Nẵng. Vì thế, hiện nay còn hai tác phẩm tôi sáng tác trong chiến trường. Tượng cao 1,5m, làm bằng thạch cao nhưng rất tiếc hiện nay đã thất lạc.

Đến bây giờ, đất nước và tình yêu vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi, có lẽ, cho đến khi tôi không còn trên cõi đời này nữa. Thời thế đã đổi thay, có những phiền muộn khi tôi trở về từ cuộc chiến, nhưng có lẽ, những ai đã từng ra đi sẽ hiểu, thế hệ chúng tôi không bon chen, vụ lợi, chỉ biết làm việc và cống hiến một phần nhỏ của mình cho đất nước.

2. NSND Quang Thọ: Quá khứ gian nan hào hùng của dân tộc đã chắp cánh cho tiếng hát của tôi

Nghệ sĩ với cảm xúc về mùa xuân và đất nước ảnh 1

Tôi đã có hơn 50 năm ca hát. Từ một người thợ mỏ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp là cả một chặng đường gian nan. Năm 1964, tôi phải khai tăng lên hai tuổi để đi làm công nhân vì nhà nghèo quá. Ngày đó gia đình đông anh em, tôi lại là con trai trưởng nên phải đi làm sớm để cùng bố mẹ nuôi các em. Khi bắt đầu làm công nhân, tôi tham gia đội văn nghệ của mỏ. Tình ca là một trong những bài đầu tiên tôi hát cho đông đảo khán giả nghe - những người cùng làm công nhân với mình.

Khoảng bảy năm sau, đúng vào ngày 19-5-1971, tôi rời quê Quảng Ninh, theo đoàn văn công của tỉnh đi phục vụ bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn và thanh niên xung phong. Chúng tôi hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Quảng Trị, sang Lào, Cam-pu-chia rồi vòng đến Tây Ninh. Đó là thời điểm ác liệt của chiến tranh, tôi mới chỉ 24 tuổi, cùng đoàn văn công xung kích tỉnh Quảng Ninh hành quân vào chiến trường như bộ đội, vai cũng mang ba-lô con cóc 5kg, khoác súng trường và tôi còn vác theo một cây đàn ghi ta.

Lúc đó, trên đường Trường Sơn như ngày hội. Chúng tôi hát cho thanh niên xung phong, cho bộ đội nghe. Họ nghe say sưa và quên cả chiến tranh đang cận kề. Ngày đó, tâm thế lên đường không biết có ngày trở lại, nên mọi người thương yêu, chia sẻ với nhau. Tôi hát những bài hát về đường Trường Sơn anh hùng, tạo khí thế cho anh em bộ đội. Có đi mới hiểu được, tiếng hát thúc giục tinh thần người lính như thế nào. Đến giờ kể lại, chắc thế hệ trẻ không hình dung được, nhưng sức mạnh của tiếng hát trong những khoảnh khắc lịch sử đó rất có ý nghĩa. Có thể nói, tuổi trẻ của tôi và những người cùng thế hệ tôi, NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền là tuổi trẻ cống hiến, hy sinh vì một lý tưởng cao đẹp, vì đất nước. Một tình yêu trong sáng, hồn nhiên, không toan tính. Chúng tôi hát giữa mưa bom bão đạn mà không biết sợ, thậm chí hôm nay mình vẫn hát nhưng ngày mai, mình có thể nằm lại ở một nơi nào đó. Nhưng không hề sợ hãi.

Nhiều đồng đội tôi đã nằm lại ở Trường Sơn. Còn tôi may mắn được trở về và năm 1972, tôi được cử đi học. Từ đó, tôi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Khi ra bắc, chiến tranh lại đuổi sau lưng, miền bắc bị ném bom trong chiến tranh phá hoại. Những nhà máy, hầm mỏ ở Quảng Ninh liên tục bị ném bom và tôi lại hát, những bài ca lao động cổ vũ tinh thần làm việc của anh em.

Trong suốt 50 năm cống hiến cho âm nhạc, từ hầm lò, tới chiến trường, giảng đường, nhà máy và sau này ở các sân khấu lớn chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn cất cao tiếng hát, bởi quá khứ gian nan nhưng hào hùng đó đã chắp cánh cho tiếng hát của tôi bay cao, bay xa hơn, gặt hái được nhiều thành tựu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa ngừng hát.

3. NSND Nguyễn Hữu Tuấn: Mỗi chúng ta phải luôn vận động và chuyển mình

Nghệ sĩ với cảm xúc về mùa xuân và đất nước ảnh 2

Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp chờ ngày giải phóng vào 30- 4-1975. Khoảng khắc đó xúc động lắm. Trong lòng tôi hồi hộp, lo lắng. Khi tôi ngồi trên chiếc xe com-măng-ca cùng 3 - 4 nhà quay phim trẻ tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, xe phóng nhanh như gió. Cho đến lúc xe lăn bánh trên đại lộ Sài Gòn - Biên Hòa, tôi có một ý nghĩ rất đặc biệt, đất nước sau bao nhiêu năm lịch sử mới được thống nhất. Những thanh niên như chúng tôi không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ thống nhất đâu cho đến khi chạy xe trên con đường đó, nhìn cờ hoa, những xác xe để lại, tôi mới thấm hết hai chữ “Thống nhất”. Ta là người Hà Nội đây, ta đang đi vào cửa ngõ Sài Gòn, tôi cảm thấy tự hào kinh khủng, cảm giác như thành quả này do chính mình góp phần rất lớn.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác đó khi ngồi trước hiên nhà và đón thêm một cái tết bình an. Tôi cảm nhận sâu sắc về những thành quả mình được hưởng hôm nay, dù cuộc sống có khi bộn bề những tiêu cực, những tham nhũng, tôi vẫn nhớ câu Kiều của Nguyễn Du: “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng”. Thỉnh thoảng, tôi ngồi trước hiên nhà và cảm nhận sự bình yên, vững chãi của đất nước giống như cảm giác ở xa lộ Sài Gòn năm nào. Có lẽ không có gì khuất phục được bởi chúng ta đã đánh đổi rất nhiều hy sinh để có ngày hôm nay. Còn để tiếp tục ổn định và phát triển, không chỉ Đảng và Chính phủ, mà mỗi chúng ta đều phải vận động và chuyển mình.

Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, có những đất nước đã từng có thời kỳ hoàng kim nhưng bây giờ rơi vào cảnh chiến tranh, nợ nần, người dân rơi vào cảnh lầm than. Vì thế, tôi càng thấy yêu quý hơn những con người bình dị của chúng ta. Tôi vừa viết cuốn sách “Những thước phim trong suốt” kể về những con người bình dị quanh ta. Tôi luôn thấy họ đẹp, và tôi yêu những con người đó, yêu đất nước đã sinh ra những con người như vậy. Cũng như tôi đã đi qua nhiều vùng quê Việt Nam, chụp ảnh về những con người, những ngôi làng… Tôi thấy, không có nơi nào đẹp hơn đất nước chúng ta bởi từ chính những con người bình dị đó.