Mỗi năm Tết sớm

NDO -

NDĐT- Thực ra là đã… Tết!
Cảm nhận ấy đến khi tôi nhìn người qua đường bắt đầu thong thả, bắt đầu vồi vội, bắt đầu nhanh nhanh đi mua sắm, bắt đầu nghĩ dần sự chuẩn bị cho đến háo hức “điểm trang” công sở, cửa nhà. Khi trong lòng đã khởi lên niềm mong ngóng Tết, chút chú tâm cho những ngày giáp Tết, áp Tết, đã khấp khởi mường tượng Tết này sẽ thế nào, đi đâu, làm gì, có thể cộng cả chút hứng khởi “thu hoạch” nữa, thì khi đó, Tết dường như đã hiện hữu trong lòng rồi.

Ảnh: KHIẾU MINH
Ảnh: KHIẾU MINH

Ngắm cái lọ hoa trên ban thờ, ông hàng xóm phải tính cành đào nhỏ cho cân xứng với bề mặt vừa vặn của ban thờ và cả những vuông ảnh các cụ đang ngự trên ấy nữa. Ban thờ nếu chỉ như chiếc xích đông nhỏ đóng lên tường thì lưa thưa nắm đào dăm xúm xít ít nụ với lấy phất mấy cái lộc xanh, nhìn đã thấy tươi. Mấy bông cúc vàng vào chiếc lọ đối xứng, đệm cùng hoa đỏ cành nhánh thanh mảnh trên ban thờ thoảng nét hương khói, đợi lễ lạt sắp dần lên trong những ngày này, ngày tới. Hoa trước xuân ngự về trên mặt phẳng tâm linh ấy, lòng người ngày gió se se như đang quang quẻ lại.

Và người ta đi sắm sửa. Không phải cảnh “mua thùng bán chậu” ào ào ào ào, sợ hết hàng, sợ hết năm, sợ không kịp với hàng trăm kế hoạch. Nhiều anh nhiều chị đã quan niệm sắm Tết, chuẩn bị Tết giản dị, thưa thoáng hơn, vì giờ hàng hóa cũng sẵn, mà ăn ngon mặc đẹp cũng đã quanh năm. Nhưng chuẩn bị cho Tết, với không ít người, vẫn là những thú vui bền lâu. Có những người nhẩn nha, loanh quanh, đi vui, nay “nhặt” cái này, mai “tha” cái kia, lặt vặt, nhỏ bé. Ai đấy lững thững ra phố, thăm chợ hoa, ngắm cây, nhìn người đi lại mua này mua nọ. Có chậu đỗ quyên ngoài cửa, phải tính tìm thêm cây mai trắng đặt trên bàn nước. Lúc sáng rước được bát thủy tiên ưng ý, chiều nghĩ phải đi xin được chữ trên giấy đỏ hoặc tìm mấy bức tranh lợn, tranh gà nhiều mầu ấm áp dán, treo lên tường. Nhớ thời gian dài hồi những năm bao cấp, hiếm hoi tranh dân gian làm theo lối thủ công do nghề khó hồi phục, phát triển, có những bộ tứ bình được sản xuất - in hàng loạt bán phổ biến ở các hiệu sách, quầy báo. Hay cũng theo hình thức ấy, là những bộ tranh của các họa sĩ vẽ các anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, tranh trích đoạn truyện Tấm Cám... Bây giờ thì tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… trở lại đa dạng rồi, qua bàn tay nghệ nhân và chí hướng nhà sưu tầm nhiều thiết tha phục hưng vốn cổ. Lại có những mẫu mới từ cái nền đó mà đang ngấp nghé truyền vào đời sống hôm nay những sắc màu dân tộc qua cách thức hiện đại. Những tranh in tay, kể cả in máy như thế, cứ treo lên là đã thấy nhiều màu, thấy chiếm lĩnh không gian bằng màu sắc, rất dễ hút mắt.

Ra chợ, đi ngắm phố thì cứ chơi thôi đã, không nhất thiết phải mua gì. Mỗi năm vào dịp mở chợ hoa Tết, tôi cứ thấy trong người mình cũng tơi tới vừa vui vừa bâng khuâng khi cảnh giả, đồ vật trên phố đi quen thuộc hằng ngày bỗng lộng lên, tưng bừng ra. Trước thì phải sau rằm tháng Chạp, có khi từ ngày 23 ông Công ông Táo, giờ sau mùng mười đã thấy hàng họ, hoa lá mở bán rồi. Tràn ngập hè, mép đường, ven đường - chợ hoa được khoanh vùng lại, cho phép sử dụng hè, đường rồi - những mai, quất, đào, bình, lọ, đôn, thống, ấm chén, câu đối, chữ khảm, chữ thúc đồng, thảm, khăn thêu… Chúng kéo theo những người đứng bán, người đến, người đi qua dừng lại xem, ngắm, nâng lên đặt xuống, hỏi, thách, mặc cả, nhiều lúc cứ sôi cả lên, một không khí rất… Tết!

Tôi thích nhất quang cảnh chỗ bán cây. Cả vùng quất xúm xít xanh đặc lại, vây kín như rừng, bỗng dưng gợi một cảm giác lạ lẫm, bí ẩn. Nó khiến mình tò mò thích những đêm người làm vườn ngủ trông cây ở đấy. Thức chong chong, ngủ lơ mơ trong khu vườn “ngắn hạn” giữa bốn bề gió lạnh, chắc người ta nghĩ trước đến Tết nhà mình sau những ngày quần quật ngoài vườn, ngoài đường, ngoài chợ. Có khi nhẩm lại những tình tiết hàng họ hôm nay và tính “chiến thuật” ngày mai sao cho bán được nhiều, được giá. Cả ngày thì rừng quất ấy làm nền xanh cho bao nhiêu thứ hoa khác, những bàn bày thủy tiên, những chậu đỗ quyên, lan, cúc, đào bung lên các màu trắng, vàng, đỏ, hồng hào, tươi non, thắm thiết.

Đi vào chợ hoa Tết là đi giữa hai bên cây, đến với cây, bước chân luồn lách vào giữa các cụm sắc màu. Bình thường không đi đến các khu ruộng vườn trồng hoa thì đâu có được nhập vào cái cảnh ấy! Ngay cả nếu ta vào vườn, ruộng, trang trại hoa đi nữa, thì cái cảm giác ở giữa “vùng hoa Tết” nó cũng rất khác. Cây hoa lá cỏ vườn tược, phả vào ta vẻ tươi mát, sum suê của thiên nhiên, phảng phất mùa màng, phảng phất hoang dã. Cả khi ta ở giữa vườn đào kề ngoài bãi sông hay những cánh đồng mướt mắt của quất, của bưởi, bòng, thì cái “chất” xuân tự nhiên vẫn còn ngập tràn, ngự trị. Nhưng khi đã trở nên lá hoa chợ Tết, thì chúng sẽ cùng đắp ôm vào cho ta một cảm nhận rất rõ. Ấy là sự bền bỉ, vươn tới, tiếp nối của tập quán thiêng liêng trong đời sống và sinh hoạt con người nhân một dịp trọng đại có tính chất “sắp đặt”. Sắp đặt bằng dịch chuyển thời gian, thời tiết hòa lẫn bàn tay đời người, được định hình qua việc duy trì phong tục, nề nếp.

Bởi ta biết, hoa lá ấy, đã được đánh gốc, được cắt cành, chuyển từ bãi bồi, vườn ươm, nhà kính về đây trong các chậu, các lọ, các bình, các bầu đất, là đã bước vào tư thế sẵn sàng. Để rồi cây và hoa Tết sẽ về cùng người trong phòng sạch, sáng thơm, ấm cúng. Sẽ được nhẹ nhàng đặt lên những vị trí cung kính, để cùng gia đình với những người hiện hữu và có thể cả không hiện hữu cụ thể, đón thời khắc thiêng liêng, hưởng những khoảng thời gian như huyền thoại trong những ngày mà chúng ta tôn kính là Tết. Cây cối sẽ cùng người đón xuân. Khi bước vào cửa nhà, lá hoa đã đưa mùa xuân đến sớm. Mùa tươi mới hiện diện cùng hương sắc trên tay người. Ấy là những giây phút mà cả tự nhiên và văn hóa cùng song hành, quyện hòa làm một. Đó cũng chính là, một thí dụ cho hạnh phúc!

Tết Nguyên đán, Tết cả, mỗi năm chỉ một lần, và cái không khí tưng bừng, nao nức chuẩn bị cho Tết, cũng mỗi năm một chuyến thôi, ào đến, rộ lên, xúm xít, tấp nập và đầy cảm thức sinh sôi, tươi nở, mà người ta nên được dự vào những “ngày hội” đó, để mầu Tết, nét xuân được đắp thêm, thẩm thấu, lan tỏa. Ấy là cả một chu trình mong mỏi, sửa soạn, háo hức dự phần vào cuộc đồng hành với kim thời gian nhích dần, nhích dần. Để đến khoảnh khắc đặc biệt, đỉnh điểm của chờ đón. Rồi ngấm mình vào trạng thái an hòa, yên ấm, bao bọc, tươi mới và hy vọng. Cả chuỗi những cảm hứng, suy nghiệm ấy, đều là Tết, là xuân. Và ngày Tết vốn đã đến sớm hơn chúng ta tưởng.

Chúng ta biết thế, để đón ngày Tết, đón mùa xuân ngay từ lúc này, trong những tranh, những hoa, những cây cỏ ta nhìn ngắm, những người ta gặp, trên đường bước đến Giao thừa.